Ngày 19-5, sau một tuần nghị án, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án các bị cáo vụ sập tường làm bảy người chết tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long.
Trong vụ án này, bốn bị cáo bị truy tố tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Đặng Sử Quân (Phó giám đốc công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Công nghiệp Hưng Thịnh Phát), Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc công ty TNHH thương mại, xây dựng, dịch vụ Cát Thành), Trần Quan Trừ (Giám đốc công ty TNHH tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Long) và Dương Thanh Phong (Giám đốc xí nghiệp tư vấn thuộc công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long An).
Ba bị cáo còn lại bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Nguyễn Trần Bảo Quốc (chuyên viên BQL các KCN Vĩnh Long, Trương Văn Tuấn (Phó trưởng phòng thuộc BQL KCN Vĩnh Long) và Lê Phước Thiện (Phó trưởng BQL KCN Vĩnh Long).
Bảy bị cáo trong vụ vụ sập tường tại KCN ở Vĩnh Long làm bảy người chết. Ảnh: NT |
HĐXX nhận định, toà án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ.
Về kháng nghị tăng án của VKS, HĐXX cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Quân, Trừ, Phong, Tùng đã vi phạm quy định hoạt động xây dựng, ảnh hưởng an toàn lao động, hậu quả xảy ra tai nạn lao động.
Tuy nhiên, đây là lỗi vô ý do chủ quan, các bị cáo không lường trước được có thể xảy ra thiệt hại về tính mạng, con người và thực tế việc thi công nhà xưởng hơn 4000 hecta đã xác lập thành mảng tường công trình. Khi xảy ra sự cố, các bị cáo cũng đã tích cực cứu chữa nạn nhân, khắc phục toàn bộ thiệt hại trong vụ án này. Không có bị cáo nào là chủ mưu, cầm đầu, các bị cáo đã thực hiện hành vi sai phạm độc lập nhau.
Trong vụ án này, các bị cáo Thiện, Quốc, Tuấn thực hiện hành vi không đầy đủ, không hết trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Do đó, khi thực hiện hành vi phạm tội, không ai là chủ mưu cầm đầu, tất cả bị cáo nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, nơi cư trú rõ ràng, chấp hành chính sách pháp luật, có hai tình tiết giảm nhẹ.
Do đó, HĐXX phúc thẩm xét thấy không cần thiết chuyển hình phạt các bị cáo thành tù giam. HĐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: Bị cáo Quốc và Tuấn bị tuyên hai năm tù treo, bị cáo Thiện một năm sáu tháng tù án treo.
Còn đối với các bị cáo Quân, Tùng, Trừ, Phong, mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS như toà sơ thẩm nêu, nhưng xét về hậu quả xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại làm bảy người chết nên HĐXX chấp nhận một phần kháng nghị của đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM; không cho hưởng án treo đối với bốn bị cáo này.
Cụ thể, bị cáo Quân bị tuyên phạt hai năm sáu tháng tù giam và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong một năm sáu tháng; các bị cáo Tùng, Trừ và Phong bị tuyên phạt hai năm tù giam và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong một năm.
Trước đó ngày 13-5, tại phiên toà phúc thẩm, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị đề nghị tăng hình phạt, không cho bảy bị cáo được hưởng án treo và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Đại diện VKS cho rằng khi áp dụng hình phạt, toà cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng bản chất sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, làm bảy người chết. Nhóm các bị cáo thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Mức án tòa sơ thẩm tuyên là không nghiêm.