Lúc 16 giờ chiều 29-8, vị trí tâm bão số 4 ở phía nam đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị khoảng 300 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ sáng sớm đến trưa nay (30-8), bão đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hàng trăm tàu thuyền đang trong khu vực nguy hiểm
Trong cuộc họp ngày 29-8 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, đánh giá càng về gần bờ, bão số 4 di chuyển với tốc độ nhanh hơn so với dự báo trước đó. Bộ trưởng lưu ý các đơn vị, địa phương không được chủ quan, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo. Ông yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi, thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của bão, cảnh báo mưa lớn, nước biển dâng, bao gồm cả khu vực biển Tây.
Với các đơn vị khác, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục thông báo cho chủ của 358 tàu/2.360 lao động đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm thoát ra ngoài, nhất là chín tàu/102 lao động của Quảng Trị. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... được giao căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định cấm biển, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân và khách du lịch, cơ sở hạ tầng. “Ngoài ra, khu vực miền núi, trung du phải rà soát khu dân cư ven sông suối, vùng trũng thấp, hạ lưu hồ đập, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy” - Bộ trưởng yêu cầu.
Được biết ngay trong ngày 29-8, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã thành lập một đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn về các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để chỉ đạo công tác phòng, chống bão.
Người dân sử dụng xe cẩu đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: T.ANH
Vị trí và đường đi của cơn bão. Ảnh: NHCMF
Từ Thanh Hóa tới Quảng Bình khẩn trương chống bão
Đến chiều 29-8, nhiều địa phương ven biển vẫn đang huy động lực lượng, người dân tích cực chống bão. Tại Thanh Hóa, trong cuộc họp khẩn cùng ngày, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cho hay tỉnh này đã thông báo cho tất cả thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để di chuyển vào nơi an toàn. Tỉnh cũng yêu cầu kiểm tra an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đê điều, các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét để sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Còn tại Nghệ An, nhiều nơi như TP Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và các huyện ven biển Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu đã xuất hiện mưa to. Dù vậy, người dân vẫn nỗ lực ra đồng gặt lúa để tránh bão vào quật đổ. Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cũng gấp gáp tương tự. Bên cạnh đó, việc chằng chéo nhà cửa, cửa hàng, đưa tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn tại hai tỉnh này cũng được gấp rút triển khai.
Lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã ký công điện khẩn về việc phòng, chống bão lũ, cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu ngoài khơi vào bờ và chỉ đạo các lực lượng chức năng sẵn sàng công tác hỗ trợ dân. Trong đó, bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung ứng phó bão số 4 với phương châm “bốn tại chỗ”.
Tại Quảng Bình, từ sáng, trên các con đường nội thành Đồng Hới, người dân tích cực phát quang cây xanh trong mưa. Ở cửa biển Nhật Lệ, các ngư dân đang khẩn trương đưa tàu thuyền neo đậu ở nơi an toàn. Nhiều xe cẩu đã di chuyển đến khu vực gần cửa biển để cẩu thuyền lên bờ…
Nhiều chuyến bay bị hủy Trong ngày 29-8, Vietnam Airlines hủy năm chuyến bay giữa Hà Nội, TP.HCM và Huế. Ngoài ra, hãng thay đổi thời gian cất cánh của bốn chuyến bay giữa Hà Nội, TP.HCM và Vinh. Hãng này cũng sẽ tăng cường hai chuyến bay bù giữa TP.HCM và Huế trong ngày hôm nay để giải tỏa khách bị ảnh hưởng. Còn Jetstar Pacific hủy bốn chuyến bay giữa TP.HCM, Đồng Hới và Vinh, trong đó có hai chuyến giữa TP.HCM và Đồng Hới, hai chuyến bay giữa TP.HCM và Vinh… Tương tự, VietJet, Vasco cũng hủy nhiều chuyến. Lịch hủy hoặc thay đổi thời gian bay trong ngày hôm nay cũng đã được các hãng đưa ra. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng được hỗ trợ theo quy định. Cũng do ảnh hưởng bão, Cảng vụ hàng hải tỉnh Kiên Giang cho biết trong sáng 29-8, các chuyến tàu, phà vận chuyển hành khách, hàng hóa đi từ Rạch Giá, Hà Tiên đến Phú Quốc và chiều ngược lại đều phải tạm ngưng. “Cảng vụ sẽ cập nhật thông tin dự báo thời tiết để đưa ra lịch trình tiếp theo” - ông Võ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải tỉnh Kiên Giang, thông tin thêm. P.ĐIỀN - N.THANH - C.ANH |