Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tìm giải pháp gỡ vướng quy hoạch khoáng sản, trong đó trọng tâm là quy hoạch bauxite đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh này.
Không còn không gian phát triển
Theo ông Hồ Văn Mười, hơn 1.000 dự án tại Đắk Nông không triển khai được trong năm 2023 vì vướng quy hoạch bauxite là vấn đề rất nóng, rất khó khăn của tỉnh. Trong đó có nhiều dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
“Chúng tôi cố gắng mở mới những con đường, phải cố gắng làm vì không làm không được, không làm là có lỗi với người dân. Thế nhưng những con đường liên huyện, liên xã chỗ nào cũng vướng bauxite” - ông Mười nói.
Tỉnh Đắk Nông đã có rất nhiều văn bản đề nghị các bộ, ngành gỡ vướng quy hoạch bauxite. Tỉnh đã thực hiện theo hướng dẫn từ các bộ, ngành nhưng đến nay vẫn bế tắc, chưa giải quyết được.
“Các dự án đều có thời hạn, kinh phí theo giai đoạn. Thế nhưng khi triển khai thi công thì các mỏ đất đều vướng quy hoạch bauxite. Tỉnh Đắk Nông tính toán rồi nhưng không tìm đâu ra mỏ đất không vướng bauxite” - ông Mười lo lắng.
Theo ông Mười, một việc đơn giản là đất hoàn nguyên, tức đất đã khai thác bauxite xong, giờ trả lại cho tỉnh để sử dụng phát triển kinh tế - xã hội, bố trí tái định cư nhưng cũng chưa làm được.
“Hiện có khoảng 300 ha đất hoàn nguyên nhưng chỉ để trồng keo. Đây là điều cực kỳ bất hợp lý” - ông Mười nói.
Theo ông Mai Khắc Dương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, tỉnh này có trữ lượng bauxite lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, quy hoạch về khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, gây không ít khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất. Thực tế có nhiều công trình giao thông không thể triển khai được vì đi qua khu vực quy hoạch khoáng sản.
“Chúng tôi đề nghị Trung ương quy hoạch khai thác chỉ nên tiến hành trên thân quặng đủ hiệu quả cho khai thác ở quy mô công nghiệp. Các khu vực không phải thân quặng thì ưu tiên cho các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương” - ông nói.
Tỉnh đang bị vướng quy hoạch bauxite và quy hoạch đất lâm nghiệp. Nếu hai vướng mắc này không được tháo gỡ, tỉnh Đắk Nông không còn không gian để phát triển. Trên diễn đàn Quốc hội, chúng tôi cũng đã kiến nghị về vấn đề này. Sau đó, các bộ, ngành đã cử các đoàn vào làm việc để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ông NGÔ THANH DANH, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông
Loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ
Tại cuộc làm việc mới đây với đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn, tháo gỡ những nút thắt trong quy hoạch bauxite để Đắk Nông sớm giải quyết vướng mắc về đất đắp, tái định cư, triển khai các dự án kịp thời. Tỉnh đề nghị Bộ TN&MT tập trung hướng dẫn chi tiết về thủ tục pháp lý, cách làm.
Về cụ thể, tỉnh Đắk Nông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam giao 70 ha đất đã hoàn nguyên để tỉnh triển khai bố trí tái định cư. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh không phải thực hiện thu hồi khoáng sản bauxite. Tỉnh sẽ thực hiện biện pháp bảo vệ bauxite ngay tại phạm vi công trình, dự án để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, tháo gỡ việc chồng lấn hai quy hoạch cấp quốc gia là quy hoạch bauxite và quy hoạch phát triển điện lực tại sáu dự án điện gió trên địa bàn. Ngoài ra, kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, quy hoạch chung đô thị vì vướng quy hoạch bauxite.
Phát biểu tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cũng nhìn nhận: “Đắk Nông đang ở trong tình trạng động vào đâu cũng vướng bauxite, loay hoay không biết làm thế nào”.
Bộ trưởng giao Cục Khoáng sản, Cục Địa chất phối hợp rà soát, đánh giá trữ lượng bauxite, đối chiếu nhu cầu sử dụng đất của tỉnh Đắk Nông để có đề xuất phù hợp. Trước mắt, cần rà soát, đối chiếu, đánh giá, xác định rõ khu vực nào, trữ lượng ra sao… Nếu đưa ra khỏi quy hoạch thì phải có biện pháp dự trữ vì đây là tài sản quốc gia.
Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định sẽ tìm giải pháp để hỗ trợ tỉnh Đắk Nông tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy hoạch bauxite. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, bộ sẽ báo cáo Chính phủ để có giải pháp cụ thể.
“Khai thác mỏ bauxite chỉ lấy phần quặng, phần đất tơi xốp để lại, vẫn sử dụng bình thường. Do đó, phần nào đã hoàn nguyên thì phải xúc tiến thủ tục đóng mỏ, bàn giao đất ngay cho địa phương. Sau đó, địa phương có trách nhiệm sử dụng đất theo quy hoạch. Cái gì dễ chúng ta phải làm trước. Vấn đề đóng cửa mỏ phải rà soát, làm ngay” - Bộ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết Bộ TN&MT sẽ cử bốn đoàn vào làm việc, tìm cách gỡ vướng quy hoạch đất lâm nghiệp, quy hoạch bauxite cho tỉnh Đắk Nông.•
Khai thác 400 năm mới hết bauxite ở Đắk Nông
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, từ năm 2007, tỉnh này đã quy hoạch 13 mỏ bauxite; trong đó có chín mỏ được thăm dò, đánh giá trữ lượng.
Tuy nhiên, suốt 15 năm qua chỉ có một mỏ được thăm dò, phê duyệt trữ lượng, được cấp phép khai thác. Trung bình mỗi năm chỉ khai thác khoảng 100 ha để cung cấp quặng bauxite cho Nhà máy alumin Nhân Cơ tại huyện Đắk R’lấp có công suất 650.000 tấn/năm.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu chỉ cung cấp cho nhà máy trên thì phải gần 400 năm mới khai thác, chế biến hết trữ lượng, tài nguyên bauxite ở Đắk Nông. Trong khi đó, theo quy hoạch khoáng sản được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Đắk Nông có đến hơn 29.000 ha quy hoạch bauxite.