Tại hội nghị, ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu trong thời gian tới, VKS TP cần xác minh kịp thời, khẩn trương những thông tin tố giác tội phạm về tham nhũng. Khi có cơ sở thì phải xử lý nghiêm minh, không phân biệt người bị tố cáo và có dấu hiệu phạm tội là ai.
Ông Lưu cũng yêu cầu VKS TP phải triển khai áp dụng triệt để các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mà BLTTHS 2015 cho phép. Khắc phục tình trạng khi phát hiện hành vi tham nhũng đủ cấu thành tội phạm nhưng chỉ xử lý về hành chính hoặc truy tố nhẹ. Ngoài ra, quá trình giải quyết cần áp dụng mọi biện pháp để thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có. Cạnh đó, VKS TP cũng phải phối hợp với các cơ quan tố tụng khác rà soát, xử lý các vụ án tham nhũng thuộc diện Thành ủy lưu ý và theo dõi.
Tội phạm giảm nhưng ngày càng tinh vi
Theo báo cáo của VKS TP, trong năm 2015, CQĐT hai cấp tại TP.HCM đã khởi tố mới 9.350 vụ án với 8.786 bị can (giảm 972 vụ với 1.280 bị can so với cùng kỳ năm trước). VKS hai cấp của TP đã giải quyết 6.071 vụ án với 9.382 bị can (giảm 384 vụ so với cùng kỳ). Đáng chú ý, không có trường hợp nào tòa án hai cấp tuyên bị cáo không phạm tội.
Theo Phó Viện trưởng VKSND TP Nguyễn Nhật Nam, mặc dù tội phạm giảm nhưng phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Một số vụ án gây hậu quả đặc biệt lớn nhưng chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nổi lên là các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Với tội phạm giết người nhiều vụ xảy ra chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt trong quan hệ xã hội hoặc do mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm, gia đình. Đáng lưu ý nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao mới xuất hiện nhưng đang có xu hướng gia tăng. Năm qua, VKS TP đã khởi tố mới 32 vụ án với 23 bị can về các tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.TÙNG
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn cũng nhấn mạnh: Mặc dù số lượng vụ án khởi tố mới trong cả nước giảm 8,5% (riêng TP.HCM giảm 9,45%) nhưng diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn nguy hiểm, thiệt hại lớn. Cạnh đó tình hình các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động tăng, phức tạp, việc khiếu kiện của người dân đến ngành kiểm sát cũng rất nhiều…
Tăng cường tính tranh tụng
Ông Trần Thế Lưu đánh giá VKS TP là đơn vị thụ lý số lượng án lớn nhất cả nước nhưng năm 2015 đã giải quyết đạt tỉ lệ cao. Công việc của ngành đã góp phần quan trọng trong cải cách tư pháp, giữ gìn an ninh trật tự cho TP, góp phần ổn định kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, VKS vẫn còn những mặt hạn chế như công tác kiến nghị để phòng ngừa tội phạm còn yếu, tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm được tòa chấp nhận còn thấp, án kinh doanh thương mại lao động còn bị hủy, sửa nhiều…
Theo ông Lưu, VKS TP cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tính tranh tụng tại phiên tòa. Nâng cao chất lượng việc giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử, đặc biệt ở cấp quận, huyện. Các nội dung này phải gắn với chủ trương cải cách tư pháp của Bộ Chính trị và chỉ thị của VKSND Tối cao…
Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn, VKS TP đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuyên môn như tỉ lệ án giải quyết cao, chất lượng kháng nghị tốt. Tuy nhiên, số lượng vụ án bị kháng nghị chưa nhiều, không có án oan nhưng vẫn có án sai mà trách nhiệm thuộc về VKS, còn để quá hạn trong tạm giữ, tạm giam, trong năm 2016 cần tìm ra hướng khắc phục.
“Thời gian tới có bảy đạo luật sửa đổi liên quan đến công tác kiểm sát với nhiều điểm mới có hiệu lực. Vì thế VKS TP cần sớm triển khai nghiên cứu, học tập để chủ động áp dụng đúng pháp luật. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, trong đó vấn đề cải cách tư pháp, nâng cao tính tranh tụng tại phiên tòa được coi là nòng cốt. Hiện nay VKSND Tối cao đã là thành viên của Hiệp hội Công tố thế giới, do đó ngành kiểm sát cần có những kiểm sát viên nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng ngoại ngữ và kiến thức pháp luật quốc tế” - ông Phàn nói.
“Nợ nhân dân thì phải giải quyết” Theo báo cáo, VKS hai cấp ở TP.HCM đã kiểm sát điều tra 10.030 vụ/12.530 vụ thụ lý. Trong đó, khi kết thúc điều tra công an đã đề nghị truy tố 5.921 vụ với 9.128 bị can; đình chỉ điều tra 102 vụ với 110 bị can; tạm đình chỉ điều tra 4.007 vụ với 250 bị can. Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn, con số 4.007 vụ án tạm đình chỉ điều tra này khiến ông phải suy nghĩ: “Mặt được của con số trên thể hiện là VKS rất tích cực trong việc kiểm sát hoạt động điều tra nhưng mặt trái của nó là món nợ công lý của ngành với nhân dân đang rất lớn. Bởi tạm đình chỉ điều tra là khi xét thấy còn những vướng mắc, chưa thể tìm ra bản chất vấn đề. Như vậy hàng ngàn vụ án tạm đình chỉ là còn hàng ngàn món nợ với nhân dân, mà đã nợ thì phải ghi nhận và giải quyết, phải trả nợ”. |