Không mang theo căn cước ra ngoài đường có bị xử phạt?

(PLO)- Lực lượng chức năng có quyền yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân là CMND/CCCD/Căn cước của công dân khi cần.

Em trai tôi cùng một nhóm bạn tụ tập đi chơi khuya thì bị công an kiểm tra giấy tờ tuỳ thân. Tuy nhiên, em trai tôi do không mang theo căn cước nên bị công an mời về trụ sở làm việc và nói sẽ phạt tiền.

Cho tôi hỏi việc không mang theo căn cước bị xử phạt như thế nào?

Bạn đọc Hồng Thắm (TP.HCM)

Khi ra ngoài, cần mang theo thẻ căn cước/CCCD để tránh bị phạt. Ảnh: HUỲNH THƠ

Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Căn cước hoặc CCCD là giấy tờ tùy thân để chứng minh nhân thân của một người. Đây là một loại giấy tờ tùy thân quan trọng đối với công dân Việt Nam. Công dân dùng giấy tờ này để chứng minh về bản thân khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Trong một số tình huống khẩn cấp khi công an làm việc sẽ cần kiểm tra căn cước hay CCCD của người dân, nếu người dân không mang theo công an có thể mời về trụ sở cơ quan công an để xác minh nhân thân. Vì vậy, việc mang theo căn cước hay CCCD là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.

Việc không mang theo căn cước công dân khi ra đường có thể bị xem là vi phạm và bị áp dụng hình thức xử phạt theo Nghị định 144/2021.

Cụ thể, theo điểm a, khoản 1, Điều 10 của Nghị định 144, những người không xuất trình được Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND khi có yêu cầu kiểm tra từ người có thẩm quyền sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Như vậy, việc không mang theo căn cước hay CCCD khi ra đường có thể bị xem là một vi phạm và có thể bị áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng nếu lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra mà không xuất trình được.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công an đã phát triển ứng dụng VNeID để phát triển định danh điện tử. Do đó, người dân ra đường không mang theo bản cứng thẻ căn cước, CCCD thì hoàn toàn có thể xuất trình thông tin trên ứng dụng VNeID và có giá trị tương đương xuất trình bản cứng.

Bởi, theo khoản 5, 6 Điều 9 Nghị định 69/2024 có quy định tài khoản định danh điện tử được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.

Thông tin về danh tính điện tử và thông tin tích hợp trên căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử có giá trị chứng minh, tương đương với việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng, xuất trình giấy tờ, tài liệu có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới