“Bị cấm đi khỏi nơi cư trú không có nghĩa không được ra khỏi nhà kiếm sống”. Đó là nhận định của TAND TP.HCM khi xử phúc thẩm vụ ông Dương Minh Quang (ngụ quận Gò Vấp) kiện đòi Công ty TNHH MTV xe khách Sài Gòn (trụ sở ở quận Tân Bình) phải trả lương. Từ nhận định này, tòa đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Quang, buộc Công ty Xe khách Sài Gòn phải trả cho ông 34 triệu đồng...
Bị ngừng việc vì gây tai nạn giao thông
Trước đó, tháng 12-2013, ông Quang nộp đơn khởi kiện Công ty Xe khách Sài Gòn ra TAND quận Tân Bình.
Theo đơn khởi kiện, tháng 3-2011, ông Quang và Công ty Xe khách Sài Gòn ký hợp đồng lao động một năm với công việc nhân viên phục vụ xe buýt. Do ông có giấy phép lái xe nên được công ty bố trí làm tài xế xe buýt. Hết hạn hợp đồng, công ty tiếp tục tái ký hợp đồng với ông.
Tháng 5-2012, ông Quang lái xe buýt gây tai nạn giao thông tại quận Bình Thạnh nên bị công an quận này khởi tố. Sau đó ông được cho tại ngoại và bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Công ty Xe khách Sài Gòn đã yêu cầu ông ngừng việc để chờ kết quả xử lý của cơ quan tố tụng. Ông đã nhiều lần đề nghị công ty bố trí công việc vì là người lao động chính trong nhà nhưng phía công ty vẫn cương quyết từ chối với lý do ông bị cấm đi khỏi nơi cư trú, phải tôn trọng quyết định cấm. Công ty cũng không chịu trả lương với lý do ông đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật của TAND quận Bình Thạnh cho ông Quang hưởng án treo về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Công ty Xe khách Sài Gòn mới trả lương ngừng việc cho ông từ ngày 1-6-2013. Không đồng ý, ông Quang khởi kiện ra tòa yêu cầu công ty phải trả lương trong 13 tháng bắt ông ngừng việc, tổng cộng là 34 triệu đồng.
Không phải cơ quan nào cũng ngưng việc người bị khởi tố (được tại ngoại). Trong ảnh: Sau khi bị khởi tố, trong thời gian kêu oan, ông Nguyễn Ngọc Lịch (bên phải, cán bộ quận 12) vẫn được làm việc, trả lương. Tháng 9-2009, ông đã được đình chỉ điều tra. Ảnh: HTD
Công ty phải bố trí việc làm, trả lương
Ra tòa, phía công ty từ chối trả lương, cho rằng thời gian đó ông Quang phải ngừng việc để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, đồng thời ông còn phải chấp hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, nghĩa là bị cấm đi khỏi phường nơi ông cư trú theo Điều 91 BLTTHS. Nếu bố trí công việc cho ông Quang thì cả công ty lẫn ông Quang đều vi phạm pháp luật bởi trụ sở của công ty khác phường, quận ông Quang cư trú. Công ty cho rằng ông Quang phải ngừng việc là do lỗi của ông nên không đồng ý trả lương.
Xử sơ thẩm hồi tháng 7-2014, TAND quận Tân Bình nhận định Công ty Xe khách Sài Gòn không có lỗi trong việc bố trí ông Quang lái xe buýt. Cạnh đó, dù ông Quang không bị tạm giam nhưng do bị cấm đi khỏi nơi cư trú, trong khi với đặc thù của hoạt động xe buýt thì công ty không thể bố trí công việc cho ông, kể cả làm nhân viên phục vụ xe buýt. Trong quá trình làm việc, ông Quang có lỗi gây tai nạn giao thông. Từ đó, tòa bác yêu cầu của ông Quang.
Ông Quang kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm mới đây của Tòa Lao động TAND TP.HCM, ban đầu Công ty Xe khách Sài Gòn đồng ý hỗ trợ cho ông 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đến “phút 89”, khi HĐXX sắp nghị án xong, chuẩn bị ra tuyên án thì đôi bên lại không thỏa thuận được về việc giao nhận tiền lúc nào, như thế nào nên cương quyết yêu cầu tòa quay lại phần xét hỏi.
Cuối cùng, HĐXX nhận định việc ông Quang bị cấm khỏi đi khỏi nơi cư trú không đồng nghĩa là ông bị cấm ra khỏi nhà để đi làm ăn, sinh sống. Lỗi thuộc về công ty khi không bố trí công việc cho ông Quang nên cần chấp nhận yêu cầu đòi trả lương chính đáng của ông Quang.
Muốn tạm ngừng việc, phải thỏa thuận Theo khoản 5 Điều 32 BLLĐ 2012, trong thời gian người lao động (NLĐ)bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại thì bên sử dụng lao độngcó thể tạm hoãn hợp đồng lao động theo thỏa thuận với NLĐ. BLLĐ không có quy định cụ thể về việc trả lương cho NLĐ trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động này mà chỉ khuyến khích người sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận với nhau. Vấn đề là pháp luật về lao động hiện hành đang bỏ trống trường hợp NLĐ (được tại ngoại) vẫn muốn tiếp tục làm việc, vẫn muốn được trả lương thì sao? Trường hợp này người sử dụng lao động có phải tiếp tục bố trí công việc và trả lương cho NLĐ (được tại ngoại) theo hợp đồng lao động hay không? Trên thực tế nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng NLĐ (được tại ngoại) và trả lương bình thường trong khi chờ bản án có hiệu lực pháp luật của tòa (theo khoản 5 Điều 36 BLLĐ 2012, hợp đồng lao động chấm dứt nếu bản án có hiệu lực pháp luật của tòa kết án NLĐ tù giam, tử hình hoặc cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động). Theo tôi, bản án phúc thẩm trong vụ việc của ông Quang có thể xem như là một án lệ để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (bên sử dụng lao động) lưu ý khi gặp trường hợp tương tự. Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM |