Không tổ chức họp báo nhiều lần sẽ bị cách chức

Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, khẳng định như thế tại hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 09 ngày 9-2-2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước. Hội nghị do Sở TT&TT TP.HCM tổ chức sáng 1-6.

Theo ông Nghiêm, Nghị định 09 nêu rõ các cơ quan hành chính nhà nước ít nhất ba tháng một lần phải tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.

Ông Lê Văn Nghiêm. Ảnh: TÁ LÂM

Tại hội nghị, ông Nghiêm cũng khẳng định mọi cán bộ, công chức đều có quyền nhân danh cá nhân để cung cấp thông tin cho báo chí. Họ được phép cung cấp nhưng có thể từ chối cung cấp. Người đó chịu trách nhiệm thông tin nếu sai, còn cung cấp đúng thì không phải chịu trách nhiệm. Báo chí được giấu tên nếu nguồn tin thấy ngại.

Phát biểu tại hội nghị, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng báo chí góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, trong việc đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, quan liêu, lãng phí.
Theo ông Hoan, TP.HCM luôn xác định phải định kỳ phát ngôn và thông tin cho báo chí kịp thời. Trong 10 năm qua, TP đã hai lần ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó đã bổ sung rất nhiều điểm mới phù hợp với điều kiện đặc thù của TP và đã làm rõ hơn ba đối tượng có thể phát ngôn. Đó là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, người được người đứng dầu các cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và người được ủy quyền phát ngôn.
Từ đó, ông Hoan cho biết đã tăng cường việc gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan báo chí để tuyên truyền đến người dân thông tin đa chiều, nhanh hơn.
Trong năm 2016, TP đã tổ chức họp báo định kỳ và bố trí phòng báo chí riêng tại các cuộc họp của UBND TP. Theo thống kê có khoảng 90 PV thường xuyên có mặt để thông tin về các cuộc họp.

Ông Võ Văn Hoan. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Hoan cho rằng báo chí với UBND TP không có khoảng cách. “Chúng tôi tạo ra cơ chế mở, PV, nhà báo có thể vào ngay phòng báo chí là biết được nội dung, theo dõi các cuộc họp ở các phòng họp. Các PV, nhà báo có thể khai thác thông tin, các dữ liệu do UBND TP cung cấp. Chúng tôi tạo ra môi trường thân thiện, gần gũi với báo chí” - ông Hoan nói.

Người phát ngôn của UBND TP cũng khẳng định ở một TP hơn 10 triệu dân như TP.HCM, chính quyền TP làm tốt công tác báo chí tức là đã chủ động làm tốt công tác định hướng dư luận, nhiều vấn đề nóng của TP nhờ kênh thông tin báo chí để làm cho người dân hiểu hơn, thấy rõ hơn trách nhiệm của người dân TP trong việc xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ông Hoan cũng cho rằng các cơ quan nhà nước không nên ngại tiếp xúc với báo chí, mà phải gặp gỡ thường xuyên như là một người bạn của các cơ quan nhà nước, như là cánh tay nối dài để hệ thống chính quyền TP đưa những thông tin của TP đến với người dân. “Từ đó chúng ta hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, những băn khoăn, vướng mắc của nhân dân TP để chúng ta có những giải pháp khắc phục tốt hơn, để mọi người dân TP ngày càng có cuộc sống tốt hơn” - ông Hoan nói.
Chánh Văn phòng UBND TP.HCM hy vọng qua hội nghị này phải làm sao để quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan báo chí được  tốt hơn. “Có thể chúng ta chưa giải hết các bài toán khi làm việc với cơ quan báo chí nhưng chúng ta hiểu cơ bản những vấn đề phát ngôn, về trách nhiệm của chúng ta trong việc duy trì mối quan hệ với báo chí. Trong quá trình tiếp cận với việc này, các đồng chí sẽ có điều kiện trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn” - ông nói.
Trong trường hợp một Sở nào đó ở TP.HCM ba tháng không tổ chức họp báo thì sẽ bị xử lý. Một lần không tổ chức họp báo thì phê bình, nhưng tái phạm nhiều lần thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó sẽ bị cách chức. “Anh cố tình không thực hiện nghị định 09, tức là không thực hiện quy định của pháp luật, yêu cầu anh làm mà không làm, nhắc rồi không làm, thì phải xử lý thôi”- ông Nghiêm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm