Vừa qua, bài viết “Sếp bị đe doạ vì nhân viên vay tín dụng đen” của báo Pháp Luật TP.HCMđã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Một số bạn đọc cho rằng vấn đề người thân, bạn bè, những người xung quanh của người vay nợ bị đe doạ, làm phiền đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống và tinh thần. Có bạn đọc đã chia sẻ đến PLO câu chuyện của mình đã gặp phải.
Quá mệt mỏi!
Bạn đọc Trần Thanh cho biết: “Đọc bài viết, tôi thấy khá giống với trường hợp của mình. Bản thân tôi là phó giám đốc của một công ty, một nhân viên có tên H trong công ty đã vay tín dụng đen số tiền 5 triệu đồng. Không hiểu vì sao tín dụng đen lại có số điện thoại và liên tục gọi điện, nhắn tin yêu cầu nói bắt anh H phải trả nợ. Tôi đã trả lời bản thân anh H vay thì đòi anh H, tôi không hề liên quan sao lại cứ làm phiền tôi. Lúc này phía cho vay tỏ thái độ căng thẳng và dùng những lời thô tục để chửi rủa tôi và gia đình tôi. Họ nói nếu anh H không trả tiền thì họ sẽ tìm tôi và vợ con tôi để xử lý. Sự việc kéo dài khoảng 2 tháng, họ cứ khủng bố khiến tôi mệt mỏi. Người thân tôi khuyên tôi nên huỷ sim điện thoại để họ không thể gọi. Nhưng sim đã dùng gần 20 năm, mọi số liên lạc, công việc làm sao bỏ được. Sau khi biết phía anh H không có khả năng trả, tôi quyết định trả tiền nợ thay anh H 10 triệu đồng để không bị làm phiền”.
"Thời gian trước, có người gọi điện cho tôi và thông báo em trai của tôi có nợ số tiền 17 triệu đồng và yêu cầu trả nợ. Tôi trả lời không biết em trai mình đã vay nên sẽ hỏi lại. Sau khi hỏi mới biết em trai tôi vay 10 triệu chưa được 1 tháng thì tiền gốc và lãi tổng cộng 17 triệu. Vài ngày sau đó, phía tín dụng đen gọi lại cho tôi và đã dùng những lời lẽ đe doạ, xúc phạm tôi. Thậm chí còn uy hiếp nếu không trả tiền sẽ cho người đến nhà giết ba mẹ tôi. Nghe những lời nói côn đồ đó tôi đã rất lo sợ họ sẽ làm thật nên đã trả thay em trai tôi số tiền đó” - bạn đọc Quỳnh Trâm.
Một trường hợp không nợ vẫn bị bêu lên mạng để đòi nợ mà PLO từng phản ánh |
Không vay nhưng lại bị đăng ảnh bán dâm
“Tôi cũng từng là nạn nhân của tín dụng đen khi bản thân không hề vay tiền lại bị gọi điện yêu cầu trả nợ. Tôi nói mình không hề vay tiền của ai thì họ chửi bới. Thậm chí họ lấy hình ảnh của tôi đăng lên các trang mạng xã hội, các trang web rằng tôi bán dâm. Tôi đã báo công an ngay khi sự việc xảy ra, nhưng đối tượng tinh vi nên đến nay vẫn chưa xử lý gì được”. - bạn đọc Ngọc Tuyền.
"Tôi không hề vay tiền của ai nhưng suốt ngày bị họ gọi đến đòi nợ. Tôi đã nói rất rõ là tôi không hề vay. Họ chụp CMND gửi cho tôi thì tôi mới biết đó là CMND của tôi đã bị mất trước đó, từ đó có người tự dán hình thẻ của họ lên để vay qua app. Hình thì của cô nào lạ hoắc nhưng tên và thông tin trên CMND là của tôi. Nghĩa là có người dùng thông tin của tôi để đi vay tiền qua app. Tôi đã nói rõ nguồn cơn của câu chuyện là như vậy nhưng họ vẫn liên tục gọi điện đòi nợ, quấy rầy đến tôi và gia đình. Không dừng lại đó, họ còn gọi lên cả công ty nơi tôi đang làm việc để đe dọa. Tôi đã báo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an tỉnh vì quá mệt mỏi. Mong các anh công an tìm ra những kẻ đe dọa cuộc sống của người khác"- Bạn đọc Lê Ngọc Mỹ.
“Nhiều người thật lộng hành, dù người ta có vay tiền hay không vay đi nữa bọn chúng cũng thản nhiên lấy hình ảnh của người khác đăng tải, bêu rếu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của họ. Đọc những lời mà họ viết trên mạng bản thân tôi còn thấy bức xúc thay cho những người bị đăng ảnh. Gần đây tôi thấy ngành công an triệt phá nhiều nhóm đòi nợ trái pháp luật trên mạng. Mong rằng với sự kiểm soát liên tục của ngành công an, kiểu đòi nợ không đúng người sẽ bị xóa sổ” - bạn đọc Minh Luân mong mỏi.
Phải làm gì khi không vay tiền cũng bị đòi nợ?
Sở TT&TT TP.HCM từng có khuyến cáo về trường hợp dù không vay nợ của tổ chức, cá nhân cho vay nợ hoặc cũng không bảo lãnh cho người khác vay nợ nhưng lại liên tục bị nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ, đe doạ, gây áp lực để trả khoản nợ vay của người vay nào đó.
Theo Sở TT&TT TP, thủ đoạn của hình thức này là khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý cho phép người cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng vay (app).
Khi người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc thì người cho vay nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ này để nhắn tin, gọi điện thoại để đòi nợ, cho dù không liên quan đến các khoản vay nợ đó, gây phiền hà, quấy rối làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người không có nghĩa vụ trả nợ.
Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn bị những người cho vay nợ sử dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm… để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của người bị đòi nợ.
Sở TT&TT TP.HCM khuyến cáo: Để được cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp, bảo vệ và xử lý đối với những trường hợp như trên, các cá nhân bị quấy rối nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ. Sau đó, gửi kèm theo văn bản đến tổ chức, cá nhân cho vay nợ để khiếu nại về biện pháp nhắc nợ, đòi nợ đối với người không có nghĩa vụ trả nợ.
Đồng thời, gửi đơn kèm chứng cứ tới chi nhánh Ngân hàng nhà nước để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm về lĩnh vực ngân hàng hoặc gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan Công an, Sở TT&TT.
LÊ THOA
Báo cáo tại phiên họp ngày 8-12 kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết tình hình tội phạm tài chính lợi dụng việc cho vay ngân hàng để thực hiện các hoạt động tín dụng đen, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa, tung tin sai sự thật trên các mạng xã hội để đòi nợ cũng đang diễn biến rất phức tạp…
Công an TP.HCM đã triển khai các giải pháp đồng bộ, chủ động nắm tình hình để tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Công an TP đã đấu tranh, triệt phá các tổ chức, cá nhân hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật trên không gian mạng, trong đó điển hình là vụ việc xảy ra tại quận 4 và quận 12.
Các công ty này hoạt động dưới vỏ bọc là công ty tài chính, văn phòng luật sư với hàng trăm nhân viên thu hồi nợ. Những công ty này sử dụng các thủ đoạn như liên tục nhắn tin, quấy rối, đưa hình ảnh chỉnh sửa, cắt ghép và lồng vào các thông tin sai sự thật, có tính chất vu khống, xúc phạm nhân phẩm cũng như danh dự người vay, quan hệ của người vay… sau đó đăng tải lên mạng xã hội để gây sức ép để trả tiền, gây bức xúc dư luận.