Quyết định kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai yêu cầu Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo, cung cấp hồ sơ pháp lý về tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu sai phạm tại hồ Đại Lải.
Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Văn Trị, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, làm trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra sẽ thực hiện nhiệm vụ trong 15 ngày. Kết quả làm việc sẽ thông báo cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất chỉ đạo, triển khai.
Đại Lải là hồ đa mục tiêu, vừa phục vụ trữ, cấp nước tưới tiêu cho 1.384 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Ngọc Thanh, vừa là nguồn nước thô cho Nhà máy nước sạch Bá Hiến, đồng thời hồ Đại Lải cũng phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch địa phương. Việc quản lý, khai thác hồ này thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Chỉ cách TP Hà Nội hơn 40 km, giao thông thuận lợi, những năm gần đây, khu vực hồ Đại Lải thu hút đầu tư nhiều dự án, từ sân golf đến resort nghỉ dưỡng, biệt thự phân lô. Trong đó, một số dự án có dấu hiệu hoạt động san lấp, xây kè, đắp đường xâm lấn vào mặt nước…
Một dự án có hoạt động san lấp tại khu vực hồ Đại Lải. Ảnh: PHONG VIỆT
Tháng 2-2020, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT tiến hành kiểm tra, chỉ ra ba dự án đang có hoạt động vi phạm công trình thủy lợi.
Cụ thể: Dự án khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải của Công ty TNHH Đại Lải thi công đổ đất vào lòng hồ. Mặc dù khu vực thi công nằm trong phạm vi đất do chính quyền sở tại giao nhưng doanh nghiệp chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Dự án khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng đắp đất, ngăn hồ tạo thành đường nội bộ. Diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2 ha. Doanh nghiệp chưa có giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định.
Dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến có hoạt động đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ nằm ngoài ranh giới đất được giao. Doanh nghiệp cũng chưa có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo khảo sát của PV, tại hiện trường các dự án trên cho thấy các nhà thầu đã ngừng thi công.
Liên quan đến các dấu hiệu sai phạm trong quản lý lòng hồ Đại Lải, nguồn tin từ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết các dự án mà Tổng cục Thủy lợi đề cập nếu có sai thì sai từ lúc quy hoạch.
“Ngay từ lúc quy hoạch đã cho người ta làm thế rồi, lúc đó mỗi ông một quan điểm. Mặc dù là hồ thủy lợi nhưng công nghiệp hóa hết rồi, nhu cầu tưới tiêu không còn nhiều thì phát triển kinh tế phải tận dụng những triền đất bán ngập. Cho nên từ nhiều năm trước tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 1/500, để doanh nghiệp theo chỉ giới đó mà làm” - nguồn tin cho biết.
Về vấn đề trên, ông Phan Tuệ Minh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay sau kết quả kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi, tháng 4-2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hiện trạng hồ Đại Lải.
“Tinh thần sai đến đâu xử lý đến đó. Chờ thanh tra kết luận đúng sai, phải có hồ sơ cụ thể, có biên bản, sai phạm chỗ nào, trái quy định của pháp luật điều nào để xử lý. Đoàn thanh tra đi làm mấy tháng nay rồi, chúng tôi vẫn đang đợi kết quả” - ông Minh nói.