Ngày 2-3, ông Lâm Quang Chứng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, xác nhận UBND tỉnh đã có văn bản giao sở này làm việc cụ thể với Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định làm rõ việc chủng muỗi Aedes aegypti mang loại vi khuẩn có tác nhân sinh học Wolbachia (đang được thả ở đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang) loại trừ bệnh sốt xuất huyết có thể mang virus Zika gây bệnh teo não người hay không.
Trước đó, một tờ báo điện tử đề cập đến dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia” do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã và đang thực hiện tại đảo Trí Nguyên. Dự án này nhằm thay quần thể muỗi tự nhiên trên đảo Trí Nguyên bằng loại muỗi Aedes aegypti mang một loại vi khuẩn mới có tác nhân sinh học Wolbachia loại trừ bệnh sốt xuất huyết. Tờ báo trên cho rằng điều khiến nhiều người lo lắng là loại virus này hoàn toàn có thể phát sinh hoặc trung gian lây truyền virus ở nơi có mặt chủng muỗi này.
“Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cơ quan chủ trì thực hiện dự án trên, có văn bản thông tin chính thức xung quanh vấn đề trên để Sở báo cáo UBND tỉnh và công bố rộng rãi cho người dân biết” - ông Chứng cho hay.
Thả muỗi mang chủng mới trên đảo Trí Nguyên. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Liên quan đến thông tin trên, ông Lê Trung Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát vector (Viện Pasteur Nha Trang), cho biết chủng muỗi Aedes còn gọi là muỗi vằn là loại muỗi có trong tự nhiên, tồn tại ở khắp nơi chứ không chỉ ở đảo Trí Nguyên. Loại muỗi này chỉ đóng vai trò trung gian truyền bệnh từ người đã bị nhiễm virus sang người khác chứ không làm phát sinh ra virus Zika. “Điều quan trọng là đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika nào ở Việt Nam. Hiện dự án trên vẫn đang tiếp tục giám sát chặt chẽ quần thể muỗi cũng như tình hình sức khoẻ người dân trên đảo Trí Nguyên và chưa phát hiện dấu hiệu bất thường gì về sức khỏe người dân” - ông Nghĩa khẳng định.
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia” bắt đầu triển khai từ tháng 4-2013 với việc thả liên tục chủng muỗi Aedes aegypti trên đảo Trí Nguyên nhằm thay thế quần thể muỗi tự nhiên khá cao, tồn tại quanh năm tại đảo này. Mục tiêu của dự án là ức chế, giảm khả năng lây truyền virus sốt xuất huyết, tiến tới triển khai toàn TP Nha Trang. Theo ông Lâm Quang Chứng, trong năm 2015 hầu như không phát hiện trường hợp sốt xuất huyết nào trên đảo Trí Nguyên, trong khi tỉnh Khánh Hòa bùng phát dịch sốt xuất huyết với số ca mắc cao nhất từ trước đến nay. |