Ngày 22-8, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Kiên Giang có báo cáo về tình hình giải ngân về kế hoạch thực hiện đầu tư công trên địa bàn.
Theo đó, năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được HĐND tỉnh giao hơn 5.124 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 3.930 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 1.193 tỉ đồng.
Tính đến ngày 18-8, giá trị giải ngân toàn tỉnh Kiên Giang hơn 2.208 tỉ đồng, đạt 43,11% kế hoạch. Ảnh: CHÂU ANH |
Tính đến ngày 18-8, các cơ quan, địa phương trên toàn tỉnh giải ngân được hơn 2.208 tỉ đồng, đạt 43,11% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn do các Sở, ban ngành cấp tỉnh quản lý có giá trị giải ngân cao hơn nguồn vốn do cấp huyện quản lý. Một số đơn vị có tỉ lệ giải ngân đạt cao như: Ban Dân tộc, trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, Sở Y tế.
Tuy nhiên, có ba đơn vị từ đầu năm đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào, đó là: Sở Nội vụ (300 triệu đồng), Văn phòng HĐND tỉnh (5 tỉ đồng), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh (9 tỉ đồng).
Có hai đơn vị có tỉ lệ giải ngân chưa được 1% (Sở Tài nguyên và Môi trường, trường Cao đẳng Kiên Giang) và ba đơn vị có tỉ lệ giải ngân chưa được 5% (Trường Cao đẳng nghề, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở KH&ĐT).
Nguyên nhân khiến công tác giải ngân đầu tư công thấp vì công tác chuẩn bị đầu tư ở một số Sở ngành, địa phương còn chậm. Năng lực của một số đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án còn hạn chế, từ đó dẫn đến công trình không thể triển khai tiếp để chờ xin chủ trương điều chỉnh.
Mặt khác, một số địa phương còn chia thành quá nhiều danh mục công trình nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác quản lý dự án, làm tăng chi phí chuẩn bị đầu tư và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một vài dự án còn chậm làm ảnh hưởng đến việc giao mặt bằng thi công, giá vật liệu xây dựng trong biến động lớn...
Từ thực trạng tỉ lệ giải ngân còn thấp, Sở KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án... sớm hoàn thành các thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và triển khai đấu thầu các dự án khởi công mới.
Đồng thời, khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đôn đốc các đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, điều chỉnh dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu... Tiếp tục đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tăng cường công tác nghiệm thu, quyết toán dự án hoàn thành.