Ngày 10-4, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành ký quyết định (hỏa tốc) về việc công bố quyết định khẩn cấp về thiên tai, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán khu vực vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng hiện tượng El - Nino, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm vào tháng 9-2023; mặn xâm nhập sớm từ đầu tháng 1-2024; không có nguồn nước ngọt bổ sung vào trong vùng đệm. Bên cạnh đó mưa trái mùa trong mùa khô hầu như không đáng kể; nắng nóng, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm dẫn đến bốc hơi mặt nước mạnh (cao hơn trung bình nhiều năm từ 37,8%); nhu cầu bơm tưới từ hệ thống kênh đến dự trữ cho sản xuất và sinh hoạt của các nông hộ là rất lớn.
Ngoài ra, cao độ đáy một số kênh trong nội vùng khá sâu, đã được nạo vét phục vụ nhiều mục đích khác nhau như san lắp mặt bằng, nền nhà, lấy đất để làm bờ để thi công lộ giao thông; xây dựng công trình trên đất nền yếu gây sạt trượt, sụt lún, sạt lở…
Từ đầu tháng 3-2024 đến nay, mực nước trên kênh đê bao ngoài và các kênh trong vùng đệm U Minh Thượng hạ thấp ở mức độ cạn kiệt, khoảng cách từ mặt nước hiện tại cách cao độ mặt đường trên 5m, gây hiện tượng sụt lún, sạt lở các tuyến lộ giao thông ở mức nghiêm trọng.
Tính đến ngày 7-4, tổng số điểm sạt lở, sụt lún 310 điểm, chiều dài 7.533m; trong đó tỉnh lộ 965 có 40 điểm sạt lở, chiều dài 885m. Nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới có thể sẽ rất lớn, ước khoảng 7.000m; ước giá trị thiệt hại tăng thêm khoảng 105 tỉ đồng.
Riêng lộ giao thông nông thôn có 270 điểm sạt lở, chiều dài 6.668m. Nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới có thể rất lớn, khoảng 1.515m; ước giá trị thiệt hại tăng thêm khoảng 76 tỉ đồng;
Sạt lở đất, sụt lún đất cũng làm sập 26 căn nhà và 54 căn nhà có nguy cơ tiếp tục sụp cao. Ước tổng thiệt hại trên 83,6 tỉ đồng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo UBND huyện U Minh Thượng huy động các nguồn lực tiếp tục ứng phó với tình huống khẩn cấp do sạt lở đường giao thông nông thôn, sập đổ nhà dân và các công trình công cộng khác trong vùng.
Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong ứng phó với tình hình sụt lún, sạt lở đất, lộ giao thông và nhà ở. Vận động các hộ dân có nhà xây dựng cập mé kênh di dời, kiên quyết di dời đối những nhà ở các điểm đã rạn nứt, có nguy cơ sạt lở; đảm bảo an toàn tài sản tính mạng người dân.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, cập nhật tình hình thiệt hại và kết quả khắc phục hậu quả tạm thời các điểm lộ giao thông nông thôn bị sụt lún, sạt lở đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản của nhân dân trong thời điểm thiên tai.
Sau thiên tai, phối hợp Sở GTVT tỉnh Kiên Giang khảo sát, đánh giá mức độ hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; đề xuất giải pháp, kinh phí sửa chữa, nâng cấp công trình giao thông, trình UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện. Về lâu dài, phối hợp các ngành chuyên môn nghiên cứu, đề xuất giải pháp bền vững chống hạn, chống ngập cho toàn vùng đệm U Minh Thượng.
UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở GTVT xây dựng công trình khẩn cấp đối với hệ thống đường tỉnh thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục sửa chữa tạm thời ngay tại các vị trí sạt lở nghiêm trọng tỉnh lộ 965 đảm bảo cho lưu thông trong thời điểm thiên tai đang xảy ra...