Kiên Giang đã ban hành 27 quyết định hành chính trái pháp luật

(PLO)- Trong 27 quyết định hành chính trái pháp luật, có 24 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND các cấp ở Kiên Giang bị tòa tuyên hủy toàn bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Kiên Giang vừa báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Trong ba năm (2019-2021), Kiên Giang đã ban hành 27 Quyết định ban hành trái pháp luật. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Trong ba năm (2019-2021), Kiên Giang đã ban hành 27 Quyết định ban hành trái pháp luật. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Theo thống kê, từ năm 2019-2021, Kiên Giang đã ban hành 108.747 quyết định hành chính, hành vi hành chính, trong đó có 728 quyết định của Chủ tịch UBND và UBND các cấp bị khiếu kiện. Các vụ khiếu kiện đa số là các quyết định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai...

Qua xét xử, TAND đã tuyên 27 quyết định ban hành trái pháp luật, theo đó, tòa tuyên hủy toàn bộ 24 quyết định và có ba quyết định bị tuyên hủy một phần.

Theo nhận định của UBND tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ban hành các quyết định hành chính trái luật là trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay, việc ban hành quyết định hành chính chưa được văn bản luật điều chỉnh đầy đủ, thống nhất để hướng dẫn, quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành.

Cạnh đó, pháp luật thiếu các quy định thống nhất về xác định hiệu lực, đính chính, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi, hủy bỏ, bãi bỏ tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành quyết định hành chính... Từ đó đã dẫn đến cán bộ, công chức lúng túng trong tham mưu, xây dựng ban hành, dẫn đến chất lượng của quyết định hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều trường hợp chưa thật sự hợp lý, khả thi, chưa bảo đảm tính công bằng dẫn đến bị khiếu nại, khởi kiện, thậm chí có trường hợp vừa ban hành đã sớm phải thu hồi hoặc hủy bỏ.

Một nguyên nhân nữa là hiện một số cơ quan, cá nhân vẫn chưa tách biệt hoặc xác định được chính xác thế nào là hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, hành vi hành chính của người đứng đầu cơ quan nhà nước hay hành vi hành chính mang tính nội bộ trong cơ quan nhà nước.

Mặt khác, năng lực và trình độ chuyên môn của người làm công tác tham mưu xây dựng, thẩm định quyết định hành chính còn hạn chế. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành quyết định hành chính, đồng thời, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc ký ban hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm