Sáng 7-1, Lãnh đạo TP.HCM đã gặp gỡ 50 đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu.
Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và đại diện các kiều bào tiêu biểu sáng 7-1. Ảnh: THANH TUYỀN |
TP.HCM cần tìm cách thu hút lượng kiều hối đổ về
Tại đây, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn (Việt kiều Mỹ), Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) nói rằng, sau thời gian dài trở về và sinh sống tại TP.HCM, ông vui mừng vì sự phát triển của TP trong những năm qua.
Đặc biệt, lãnh đạo TP đã rất nỗ lực dẫn dắt kinh tế TP vượt qua nhiều khó khăn để đạt mức tăng trưởng GRDP 9,03%, con số tăng trưởng trong điều kiện vừa trải qua dịch COVID-19 khiến cả nước “bật ngửa”.
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn (Việt kiều Mỹ) nói cần có chính sách để thu hút thêm lượng kiều hối đổ về TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN |
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết, lượng kiều hối là rất quan trọng vì đó là nguồn nước chảy vào, là những đồng tiền thực chất.
“Tôi thấy TP rất trân trọng lượng kiều hối. Đây là những đồng tiền do bà con chắt chiu khi làm ăn ở nước ngoài, đưa về cho thân nhân, giúp mở xưởng, kinh doanh, mua đất…
Nguồn tiền đó cộng lại mấy chục năm trời là khủng khiếp lắm, nhưng đồng tiền đó không cần nhập khẩu mà đem vô đóng góp vào ngân sách, đóng góp vào nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia”- ông chia sẻ và mong muốn TP sẽ tiếp tục vận động gia đình ở nước ngoài chuyển tiền về cho gia đình hôm nay để làm ăn thêm.
Ông cũng mong các ngân hàng đừng “hạch hỏi” nhiều quá về nguồn tiền, đặt nghi vấn tiền đâu ra mà chuyển về nhiều vậy.
Ông kể câu chuyện ở Mỹ, khi muốn chuyển tiền về, họ đã làm rõ tiền này phải sạch, phải đàng hoàng mới cho chuyển đi. Vì vậy, không cần mất thời gian “hạch hỏi” về nguồn tiền, mục đích sử dụng khiến quá trình ít nhiều khó khăn, phiền nhiễu.
Bà Trần Tuệ Tri, một Việt kiều Singapore, chuyên gia về xây dựng thương hiệu cũng đánh giá cao sự chuyển mình của TP.HCM trong bức tranh chung của cả nước.
Bà cũng đặt vấn đề, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, TP cũng cần kể câu chuyện về văn hóa, lịch sử để không chỉ người dân quốc tế mà bạn bè năm châu khi đến TP.HCM đều có thể biết đến và hiểu sâu hơn.
Nhiều đại biểu kiều bào khác bày tỏ mong muốn TP sẽ có nhiều chính sách, sự ưu đãi để thu hút con em kiều bào, là những thế hệ thứ 2-3, con cái của người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài quay về cống hiến cho quê hương.
Các ý kiến góp ý cho TP về chuyển đổi số, chỉnh trang đô thị, hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp... cũng được các kiều bào đề đạt trong buổi gặp mặt.
Cần thông thoáng hơn trong việc cấp quốc tịch, hộ chiếu
Cuộc gặp gỡ cũng ghi nhận nhiều băn khoăn của kiều bào về vấn đề quốc tịch. Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn nói, khi có Luật Quốc tịch Việt Nam 2014 mới sửa đổi, gia đình ông là một trong số những kiều bào đầu tiên có hộ chiếu Mỹ và Việt Nam.
Luật Đầu tư 2020 ra đời cũng tôn trọng, ưu ái Việt Kiều khi quy định người có hai quốc tịch được làm bất cứ ngành nghề nào ở Việt Nam mà không bị cấm.
Nhưng vừa qua, doanh nhân này gặp sự cố bất ngờ trong suốt 38 năm làm ngành hàng không khi ông đầu tư cho một dự án 3,5 tỉ USD. Lúc này, các ban, ngành đặt vấn đề Việt kiều có hai quốc tịch có được kinh doanh ngành hàng không hay không?
“Tôi mất 8 tháng trời không có kết quả”- ông nói và đề nghị TP kiến nghị các ban, ngành, Trung ương, Chính phủ làm rõ Việt kiều có hai quốc tịch, trong đó một quốc tịch Việt nam thì không được đầu tư vào ngành nghề nào.
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn nói thêm: “Đừng đặt tất cả 4,5 triệu Việt kiều muốn đầu tư về, rồi tự dưng thắng két lại bảo để xem lại đã. Cộng đồng Việt kiều là không thể tách rời trong tổng thể của người Việt Nam. Mong lãnh đạo TP có kiến nghị, mở đường cho anh em Việt kiều sau này có thể tham gia đóng góp vào, không để vụt mất cơ hội đầu tư”.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ghi nhận tất cả ý kiến của các đại biểu tại buổi gặp. Ảnh: THANH TUYỀN |
Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Australia Trần Bá Phúc cũng cùng băn khoăn. Ông có 43 năm sống ở nước ngoài, nhưng ông luôn nhớ bản thân mình là người Việt, luôn dùng quốc tịch Việt Nam khi ra khỏi nước Australia.
Ông nói, cộng đồng người Việt Nam ai cũng muốn có quốc tịch Việt Nam để trở về quê hương. Có người nộp hồ sơ, chờ đợi một vài năm nhưng nhận câu trả lời là “đang kiểm tra”, không biết khi nào mới xong.
Ông Phúc cho rằng, lãnh đạo TP cũng cần kiến nghị Chính phủ nên thông thoáng hơn trong việc cấp quốc tịch, hộ chiếu cho người Việt ở nước ngoài.
TS Nguyễn Trí Dũng, kiều bào Nhật cũng nói ông gặp khó trong thủ tục liên quan đến thân nhân. Hai người con gái của ông được sinh ra tại Nhật, đã đăng ký công dân tại Đại sứ quán Việt Nam ở đây, được cấp hộ chiếu từ năm 1-2 tuổi và đã về Việt Nam sinh sống.
Nhưng khi về nước, ông gặp khó khi đi xin giấy của cơ quan chức năng xác nhận hai người này là con gái của ông.
Ông kể lại hành trình: Sau khi nộp hồ sơ lên Đại sứ quán, bị từ chối. Đại sứ quán chuyển sang Bộ Ngoại giao, Bộ này lại đẩy sang Bộ Công an, rồi chuyển ngược về UBND TP.HCM; sau đó giao xuống sở Tư pháp, sở lại đẩy ngược về Bộ Tư pháp.
Từ thực tế của gia đình, ông đề xuất TP kiến nghị Trung ương giao thẩm quyền giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến Việt kiều.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói, TP ghi nhận tất cả những góp ý tâm huyết của đại biểu đại diện kiều bào.
Ông Hoan chia sẻ, TP có nhiều khát vọng trong xây dựng và phát triển, vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội để có thể phát triển tốt hơn.
“Khát vọng lớn nên nhu cầu đầu tư lớn. Do đó TP mong muốn bà con tiếp tục quan tâm và TP luôn sẵn sàng tạo điều kiện”- ông khẳng định.
Ông Hoan chia sẻ, với thế hệ con em kiều bào, kể cả việc thu hút nhân tài nói chung, TP đã có chính sách, đảm bảo về điều kiện hạ tầng, trang thiết bị có thể đáp ứng sự tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng.
Đại diện chính quyền TP.HCM, ông Hoan bày tỏ mong muốn lực lượng kiều bào vận động con em mình trở về quê hương và với mỗi nhu cầu, mong muốn về điều kiện làm việc, thành phố sẽ xem xét và tìm “đúng địa chỉ” để có thể đáp ứng.
Mong kiều bào cùng chung tay xây dựng TP vững mạnh
Tham dự buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đặc biệt gửi lời cảm ơn, bày tỏ sự tri ân trước những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã luôn góp sức cho sự phát triển của TP.HCM.
Năm 2022 là năm TP.HCM và cả nước hồi sinh sau dịch bệnh COVID-19. Trong thời gian đó, có nhiều cá nhân, tổ chức là người Việt Nam ở nước ngoài đã chung tay, góp sức, hỗ trợ khó khăn, đóng góp cho TP, tham gia vào quỹ vaccine, trang thiết bị y tế, thực phẩm…
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu gửi lời cảm ơn đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ảnh: THANH TUYỀN |
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc xây dựng, phát triển TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị.
Ông nói: "Nhiệm vụ này đòi hỏi chúng ta phải năng động, sáng tạo hơn nữa, tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước.
Trong đó, không thể thiếu sự đồng hành, hỗ trợ, giúp sức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài".
Ông Hiếu cho hay, đóng góp quan trọng của kiều bào với sự phát triển của TP.HCM thể hiện rõ nhất ở lượng kiều hối đổ về TP trong năm qua, đạt 6,8 tỉ USD.
Từ đó, ông Nguyễn Văn Hiếu chân thành kêu gọi cộng đồng kiều bào ở trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, chia sẻ đầy trách nhiệm, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết cùng chung tay xây dựng TP.HCM.