Bị ‘thâu tóm’ bất thành, Saigon Co.op vẫn vững mạnh

“Saigon Co.op sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo sự khác biệt, các đột phá sáng tạo trong kinh doanh nhưng vẫn giữ vững bản sắc, các giá trị tốt đẹp của tổ chức hợp tác xã với tinh thần thương hiệu Việt phục vụ tận tâm cho người Việt” - Ông Nguyễn Vũ Toàn, Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Lãnh đạo Saigon Co.op cho biết tiếp tục nỗ lực để tạo sự khác biệt

+ Phóng viên: Thưa ông, dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Saigon Co.op. Trong khi đó, Saigon Co.op là đơn vị chịu trách nhiệm rất lớn đảm bảo nguồn cung ứng các sản phẩm, hàng hoá thiết yếu cho người dân TP.HCM nói riêng và người tiêu dùng cả nước nói chung. Vậy làm cách nào đơn vị đã vượt qua khó khăn và duy trì sự tăng trưởng doanh thu?

. Ông Nguyễn Vũ Toàn: Rõ ràng, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, như vừa đảm bảo phòng chống dịch cũng như đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người tiêu dùng khắp cả nước.

Trong bối cảnh đối mặt với dịch COVID-19, mọi thứ có nhiều xáo trộn nhưng toàn thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.

Nhưng có điều thú vị, COVID-19 cũng đem lại những hình thái, mô hình kinh doanh mới đã tạo động lực cho doanh nghiệp bán lẻ cải tiến, đổi mới cách làm để bắt kịp xu hướng tiêu dùng và phục vụ khách hàng hiệu quả hơn.

Đó là những thói quen tiêu dùng mới hình thành trong thời gian giãn cách xã hội, như người tiêu dùng muốn sử dụng dịch vụ giao nhận tận nhà thay vì đến tận nơi mua sắm. Do đó, Saigon Co.op đã nhanh chóng xây dựng kênh bán hàng qua điện thoại, khai thác tối đa tiềm năng những kênh trực tuyến hiện hữu như website, truyền hình, app trên điện thoại di động. Đặc biệt, chúng tôi liên kết với các đối tác như Grab, Momo, Now, Baenim để đẩy mạnh giao hàng đến tận tay khách hàng.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, xu hướng cửa hàng nhỏ đang tăng trưởng tốt và có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư mở rộng trong bối cảnh khó khăn chung. Trong năm nay, Saigon Co.op sẽ tập trung triển khai nhiều hơn mô hình cửa hàng nhỏ là Co.op Food, Co.op Smile, vì dịch bệnh đã khiến mặt bằng dôi dư nhiều, vốn trước đây rất khó tìm kiếm và cạnh tranh, trong khi giá thuê mặt bằng đang rẻ và có khả năng giảm thêm. Đồng thời, việc đầu tư cửa hàng bách hóa thực phẩm hoặc cửa hàng tiện lợi không đòi hỏi quá nhiều chi phí, thời gian, thủ tục nên nhanh chóng đưa vào hoạt động để gia tăng quy mô, mở rộng thị phần.

Khách hàng chọn mua sản phẩm ở siêu thị Co-op Mart

+ Saigon Co.op còn được biết đến là đơn vị quản lý chuỗi hệ thống siêu thị với đủ phân khúc từ đại siêu thị cho đến cửa hàng tiện lợi. Điều gì đã mang đến sự tăng trưởng đầy mạnh mẽ cho chuỗi siêu thị này khi ngày càng nhiều các doanh nghiệp ngoại đầy tiềm lực gia nhập thị trường?

. Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục có nhiều tiềm năng trở thành nơi thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ quốc tế, cạnh tranh mặt bằng bán lẻ gay gắt.

Để cạnh tranh và duy trì vị thế trên thị trường, Saigon Co.op sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình hiện hữu, tăng cường số lượng và chất lượng các dịch vụ phục vụ khách hàng song song với mở rộng mạng lưới nhanh, mạnh để phủ kín hệ thống phân phối trên cả nước.

Đồng thời, đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ  và đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng. Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và đầu tư nâng chất lượng hoạt động logistics chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh và phát triển bền vững của hệ thống.

Nhiều chương trình phát huy rất tích cực trong thời gian qua cần được duy trì và phát huy, chẳng hạn vác chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt; xây dựng vùng nguyên liệu, cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Và tất nhiên không nằm ngoài xu hướng tiêu dùng trực tuyến, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển mảng thương mại điện tử dựa trên nền tảng các điểm bán hiện có.

Sau 24 năm kể từ ngày thành lập cửa hàng siêu thị đầu tiên tại TP.HCM thì giờ đây đơn vị đã mở rộng ra hơn 800 siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Saigon Co.op tìm nguồn lực tài chính nào để có thể mở rộng quy mô rất lớn như hiện nay?

Saigon Co.op huy động nhiều nguồn lực khác nhau theo đúng quy định pháp luật để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, phát triển.

Saigon Co.op cho thấy tính linh hoạt và sự hiệu quả của một doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Theo ông, các cơ chế hiện nay có cần thay đổi để tạo ra sức bật lớn hơn cho đơn vị?

. Saigon Co.op hoạt động theo mô hình hợp tác xã và ngày càng chứng minh là điển hình thành công nhất hiện nay. Hiện tại, Saigon Co.op đang phối hợp với các cơ quan chức năng để dần hoàn thiện các cơ chế.

Saigon Co.op đa dạng hóa các mô hình từ offline đến online, trong đó thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý và vận hành. 

+ Ông đánh giá thế nào các đối thủ ngoại đầy tiềm lực đang gia nhập vào thị trường Việt Nam, và cách nào để Saigon Co.op giành được thị phần, gia tăng năng lực cạnh tranh? 

Các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia như Aeon, Lotte, Big C, Mega Market,... đều có chiến lược và thế mạnh riêng để phục vụ tốt khách hàng của mình. Saigon Co.op đánh giá rất cao sự chuyên nghiệp của các đối thủ này.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển của mình, Saigon Co.op cũng không ngừng tự hoàn thiện mình và cạnh tranh tốt với các đối thủ cả trong và ngoài nước.

Chúng tôi không chủ quan nhưng cũng tự tin vào các lợi thế cạnh tranh. Đó là thế mạnh hiểu rõ và nắm bắt nhanh các thay đổi về nhu cầu, xu hướng mua sắm của khách hàng tại từng địa phương, từ đó không ngừng gia tăng số lượng và chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm và trải nghiệm của khách hàng, hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất.

Ngoài ra, chúng tôi sở hữu giá trị cốt lõi luôn hướng đến cộng đồng và xã hội, một nền tảng thương hiệu, uy tín và chất lượng cao đã được xác lập trong hơn 30 năm qua, nên sẽ nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng

Bên cạnh đó, Saigon Co.op đa dạng hóa các mô hình từ offline đến online, trong đó thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý và vận hành. Đặc biệt thiết lập mô hình Omni Channel đang được tập trung triển khai nhanh, đặc biệt từ khi bùng phát dịch COVID-19.

+ Với lãnh đạo mới, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát huy các thành quả hiện có và sẽ đặt chiến phát triển trong tương lai ra sao?

. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Saigon Co.op sẽ luôn giữ vững bản chất hợp tác xã, đồng thời nỗ lực duy trì vị thế nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Để thực hiện được điều đó, chúng tôi tập trung phát triển nhanh và bền vững chuỗi siêu thị Co.opmart, mà tiếp tục phủ kín hệ thống phân phối trên toàn quốc thông qua phát triển thêm các điểm bán lẻ tại các nhà ga tuyến đường sắt đô thị và tại công trình ngầm chợ Bến Thành; dự án Trung tâm thương mại Sense City, dự án Xây dựng các trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành; nâng cao hiệu quả đầu tư mô hình Co.opmart tuyến huyện, Co.opFood tỉnh. 

Saigon Co.op vươn ra biển lớn nhưng vẫn giữ vững bản chất trong hoạt động và định hướng phát triển của mô hình hợp tác xã để ngày càng lớn mạnh hơn, trở thành biểu tượng của sự thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế tập thể trong thời kỳ mới.

+ Xin cảm ơn ông!

Hành động thâu tóm bất thành

Vào tháng 7-2020, thanh tra TP.HCM đã công bố kết luận về các sai phạm tại Saigon Co.op. Một trong các kết luận thanh tra nhấn mạnh việc các hợp tác xã thành viên tổ chức triển khai huy động vốn của các thành viên không đúng trình tự thủ tục quy định tại Luật Hợp tác xã (HTX) và Điều lệ.

Đầu năm 2020, Đại hội thành viên bất thường Saigon Co.op ra nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỉ đồng lên hơn 6.797 tỉ đồng theo phương án huy động vốn từ các thành viênvà quyết định bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT đồng thời giao HĐQT cách chức TGĐ đối với ông Nguyễn Anh Đức và Phó TGĐ đối với ông Phạm Trung Kiên. Có 20/26 hợp tác xã thành viên góp vốn với tổng số tiền hơn 3.597 tỉ đồng.

Điểm bất thường là trong các năm 2018, 2019, một số HTX có mức lợi nhuận sau thuế dưới 6 tỉ đồng không tham gia góp vốn. Trong khi đó, phần lớn HTX có lợi nhuận sau thuế từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn góp hàng trăm tỉ đồng.

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đã hủy 4 nội dung đăng ký thay đổi lần thứ 34 của Saigon Co.op, không thừa nhận số vốn góp 3.597 tỉ đồng của các hợp tác xã thành viên hồi đầu năm 2020 với lý do "doanh nghiệp khai báo thông tin chưa chính xác" đồng thời khôi phục giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 33 của Saigon Co.op với vốn điều lệ như cũ là 3.200 tỉ đồng

Đến tháng 8,  ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, nộp đơn từ nhiệm. Và hiện ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, là người tạm thời điều hành HĐQT. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm