Thủ tướng: ‘Xây dựng thương hiệu là rất quan trọng’

Ngày 21-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp”.

Công nghệ giúp ngành gỗ thành gà đẻ trứng vàng

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp, nông nghiệp phát triển mạnh. Nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến với năng suất đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm, hơn 7.500 doanh nghiệp (DN) quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu đã được thành lập. Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi.

“Nếu như trước đây tổn thất trong chế biến rau quả chiếm tới 20% thì nay đã giảm xuống một nửa. Với ngành lúa gạo, chúng ta cũng giảm được tổn thất sau thu hoạch ước tính khoảng 6.000 tỉ đồng/năm nhờ cơ giới hóa” - ông Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam (VN), thông tin.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ VN (Vifores), nhớ lại những năm 70 của thế kỷ trước, gần 40 nước châu Phi đã đặt giấc mơ xuất khẩu gỗ, thế nhưng 50 năm trôi qua, đến nay họ phải cay đắng chấp nhận sự thật là chưa bằng VN. Con số xuất khẩu gỗ 11,2 tỉ USD của VN đã gây ấn tượng mạnh với cả quốc tế.

“Nếu không có công nghệ chế biến thì giấc mơ xóa nghèo không thể làm được. Hôm nay chúng tôi có thể khiêm tốn nói rằng công nghiệp gỗ đã thành con gà đẻ trứng vàng. Từ chỗ làm thuê cho nước ngoài, chế biến thô, chúng ta đã đi đến mức làm hàng công nghệ cao. Một số DN VN đã làm những lô hàng giá trị hàng chục triệu USD cho khách hàng Mỹ, Trung Đông” - ông Hoài nói.

Thủ tướng: “Không lo thị trường trong nước là thiếu trách nhiệm với dân”.  Ảnh: TÙNG ĐINH

Nói quá về “giải cứu” làm mất nhuệ khí kinh doanh

Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản vẫn của nước ta còn có yếu kém. Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ VN, kiến nghị để VN trở thành trung tâm nội thất đồ gỗ của thế giới vào năm 2025 thì cần có cơ chế về tích tụ đất đai, có khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung.

“Hiện nay, nguyên liệu và nhân công giá rẻ tập trung ở miền Bắc, miền Trung, còn công nghệ chế biến lại ở miền Nam. Nếu mức thuê đất là 40-50 USD/m2 thì DN trong miền Nam sẽ không thể ra Bắc. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có cơ chế hợp lý, thả con săn sắt bắt con cá rô, tạo điều kiện cho DN trong nước và đầu tư nước ngoài” - ông Hoài nêu ý kiến.

Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương nhấn mạnh rằng nông nghiệp VN cần phải dựa trên nền tảng công nghệ hữu cơ. Nhưng muốn làm thế thì phải có DN đầu đàn và khi làm được rồi thì phải đưa nông dân vào chuỗi giá trị liên kết.

Đề cập đến câu chuyện truyền thông “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp thời gian gần đây, ông Trần Bá Dương cho rằng không nên nói thái quá, dẫn đến nông nghiệp bị coi là nghèo nàn, thấp kém.

“Tôi rất đồng tình với tinh thần tương thân, tương ái. Song vừa rồi có một số tổ chức “giải cứu” sản phẩm nhưng lại nói thái quá khiến chúng tôi làm kinh doanh trong lĩnh vực này chạnh lòng. Làm kinh doanh mà cứ phải chờ giải cứu thì đâu phải kinh doanh và điều đó làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi trạng thái tự do, tinh thần tự do của nền kinh tế thị trường” - ông Dương bộc bạch.

Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thời gian qua mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của VN thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Trung Quốc. Hiện VN phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc. 

“Cú đấm thép cho cơ giới hóa, chế biến nông sản”

Nói về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian qua chúng ta ban hành nhiều chính sách cho lĩnh vực này nhưng chưa tập trung, có địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa được.

“Từ hội nghị hôm nay, Nhà nước cần tập trung vào chính sách nào được coi là cú đấm thép của Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhắc lại những thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp trong những năm qua, từ thế hệ còn đói ăn nhưng nay không chỉ đáp ứng nhu cầu cho gần 100 triệu dân mà còn xuất khẩu tới trên 41 tỉ USD nông sản. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí và thất thoát lớn trong nông nghiệp vẫn còn cao do khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản, cơ giới hóa còn thấp.

Về vấn đề xây dựng thương hiệu, vùng nguyên liệu nông sản quy mô lớn mà các DN kiến nghị, Thủ tướng khẳng định: Xây dựng thương hiệu là điều rất quan trọng. “Bây giờ làm nhỏ lẻ không được, buôn thúng bán mẹt không được mà nông sản muốn ra siêu thị lớn, xuất khẩu lớn phải có vùng nguyên liệu lớn. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc tích tụ đất đai” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhất trí với ý kiến của DN cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”. Ví dụ, thanh long có thể giữ 20 ngày, chuối 40 ngày nên nếu vận chuyển xa thì khó giữ tươi, khâu bảo quản phức tạp.

“Muốn cạnh tranh được cần tiếp tục giảm giá thành, giảm chi phí, nhất là chi phí logistics, chi phí vận chuyển. Ví dụ, xuất khẩu một quả xoài từ Đồng Tháp mà chi phí logistics cao, chiếm đến khoảng 50%” - Thủ tướng dẫn chứng.

Không quan tâm thị trường trong nước là thiếu trách nhiệm với dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một nghịch lý trong phát triển nông nghiệp hiện nay là quan tâm xuất khẩu, song lại không quan tâm đến thị trường nội địa, trong khi thị trường có đến trăm triệu dân. “Không lo thị trường trong nước là thiếu trách nhiệm với dân. Đừng để đến lúc có tình hình lộn xộn, nháo nhào hết cả lên” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng: ‘Xây dựng thương hiệu là rất quan trọng’ ảnh 2
Trong thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn đầu ra. Ảnh: CHÍ HIẾU 

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh nhiều người, đặc biệt là các nhà đầu tư, các DN đều nói là nông nghiệp của chúng ta không chỉ đủ ăn, có thể làm giàu được. “Đó chính là cơ hội, niềm tin mới của chúng ta để phát triển mạnh mẽ một số sản phẩm, đặc sản thế mạnh rất đa dạng ở từng địa phương” - Thủ tướng phát biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm