Chiều 20-5, trình bày báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho hay qua tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính gần 92.500 tỉ đồng.
Đặc biệt, ông Hồ Đức Phớc cho biết qua kiểm toán đã chuyển năm vụ việc sang cơ quan CSĐT kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can hai vụ.
Dự án BT tiềm ẩn nhiều rủi ro
Đáng chú ý, theo KTNN, hiệu quả sử dụng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến. Kết quả kiểm toán chín chương trình, 23 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỉ đồng.
Ông Phớc cũng cho biết kết quả kiểm toán cho thấy các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT có vấn đề. Cụ thể, qua kiểm toán bảy dự án BT cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai. Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án, đồng thời việc xác định giá đất không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước (NSNN).
Bên cạnh đó, hầu hết các dự án BT là chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện.
“Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỉ đồng, trong đó có dự án tỉ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán” - ông Phớc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phớc, kết quả kiểm toán tám dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai khiến tăng tổng mức đầu tư; chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông; nghiệm thu, thanh toán sai...
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo kiểm toán năm 2018 trước Quốc hội. Ảnh: QH
Bốn lần chỉnh, mức đầu tư tăng 39 lần
Cũng trong ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2017.
Theo đó, năm 2017 thu NSNN vượt dự toán 6,7% (tương ứng 81.447 tỉ đồng). Tuy nhiên, công tác lập, giao dự toán thu chưa sát thực tế, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán.
Tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp, trốn, lậu thu, nợ đọng thuế lớn chưa được khắc phục triệt để.
Về chi NSNN, ông Nguyễn Đức Hải cho biết việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng, chậm được khắc phục.
Cụ thể, nguồn NSNN giải ngân chậm nhất trong năm năm gần đây, chỉ đạt 86,3%. Bên cạnh đó, vẫn xảy ra tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư. Có dự án hồ sơ khảo sát chưa đầy đủ, chính xác; thiết kế, dự toán còn sai sót, hình thức lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định.
Bên cạnh đó, tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác chậm được khắc phục, có dự án điều chỉnh vốn nhiều lần.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh ba lần; dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh sáu lần và tăng tổng mức đầu tư hơn ba lần; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cửa Đại điều chỉnh bốn lần; dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) điều chỉnh ba lần và tổng mức đầu tư tăng hơn hai lần. “Đặc biệt, dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Nha Trang điều chỉnh bốn lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 39 lần…” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Quy mô nợ công tiếp tục tăng Về quản lý nợ công, Chính phủ có nhiều nỗ lực để kiểm soát nợ công. Dư nợ công năm 2017 bằng 61,37% GDP và dư nợ Chính phủ bằng 51,67% GDP đều trong giới hạn cho phép... Tuy nhiên, tổng số nợ công tăng thêm so với năm 2016 là 7,13%, với số tiền gần 205.000 tỉ đồng, quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm trong khi ngân sách trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ. Bên cạnh đó, ứng trước dự toán ngân sách trung ương lớn (hết năm 2017 là gần 87.000 tỉ đồng) có xu hướng tăng... “Chính phủ cần quan tâm để tiếp tục kiểm soát nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách...” - Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị. |