Kỳ án giết người 41 năm: Thời hiệu, tội ác và hình phạt

Hơn 40 năm hung thủ phải chạy trốn có phải là hình phạt của cuộc đời dành cho kẻ giết người hay không? Dù đến nay có thể pháp luật không thể trừng phạt kẻ thủ ác nhưng liệu ông ta có chạy trốn được tòa án lương tâm của chính mình?!

Vụ án giết người (mà Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trên các số báo ra ngày 18, 19 và 20-11) xảy ra ngày 31-7-1980 tại tỉnh Thuận Hải cũ (nay là tỉnh Bình Thuận). Thời điểm đó ở miền Nam vẫn còn áp dụng quy định của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành, cụ thể là Sắc luật 03/SL ngày 15-3-1976.

Ông Võ Tê (trái), người mang án oan giết người suốt 41 năm qua.
Anh Võ Ngọc (giữa), con trai ông Võ Tê, liên tục gõ cửa khắp nơi đòi một lời xin lỗi cho người cha bị oan đã khuất. Anh Đỗ Thanh An (phải), con trai nạn nhân, nhiều năm qua vẫn đau đáu câu hỏi: “Ai đã giết mẹ tôi?”. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Sắc luật 03/SL này không quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với các tội phạm xảy ra sau ngày 30-4-1975. Điều đó cũng có nghĩa là thời hiệu truy cứu TNHS lúc này là vô thời hạn, tức không tính thời hiệu truy cứu TNHS.

Khi vụ án xảy ra, các cơ quan chức năng lúc đó chưa có quyết định khởi tố bị can và có thông báo tìm kiếm đối với ông Lê Minh Sơn (tên khác là Trương Đình Chi - một người bị tình nghi là hung thủ). Từ đó đến nay cũng không có lệnh truy nã đối với ông Sơn. Do đó, về mặt pháp lý, cho đến thời điểm hiện nay chưa có cơ sở kết luận ông Sơn là người thực hiện tội phạm.

Hành vi phạm tội giết người và cướp tài sản xảy ra năm 1980 và từ đó đến nay đã trải qua BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 và hiện nay là BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều 45 BLHS năm 1985 quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài nhất là 15 năm; Điều 23 BLHS năm 1999 quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài nhất là 20 năm; Điều 27 BLHS hiện hành quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài nhất là 20 năm.

Do đó, xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo thì chúng ta phải lấy thời hiệu truy cứu TNHS là 15 năm theo quy định của BLHS năm 1985, đây là quy định có lợi nhất cho người phạm tội. Cần lưu ý, nếu người phạm tội phạm hai tội: Giết người và cướp tài sản thì thời hiệu của cả hai tội này chạy song song với nhau.

Pháp luật hình sự cũng quy định: “Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ”. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng do chưa có lệnh truy nã đối với ông Lê Minh Sơn nên không thể áp dụng quy định này.

Như vậy, tính từ thời điểm vụ án xảy ra ngày 31-7-1980 thì thời điểm hết thời hiệu truy cứu TNHS đối với người phạm tội trong vụ án này là 0 giờ ngày 1-8-1995. Do đó, đến thời điểm hiện nay (năm 2021) thì thời hiệu truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi phạm tội cũng đã hết, kể cả có phạm tội mới như làm giả giấy tờ để trốn tránh (nếu có).

Ý nghĩa nhân đạo của thời hiệu truy cứu TNHS
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật hình sự quy định thời hiệu truy cứu bên cạnh mục đích để các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương truy tìm, điều tra tội phạm và người phạm tội thì còn có ý nghĩa nhân đạo đối với người đã thực hiện tội phạm. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm mục đích chủ yếu là để cải tạo giáo dục đối với người phạm tội, ngăn ngừa họ phạm tội mới.
Tuy nhiên, nếu trong một khoảng thời gian dài (theo quy định) kể từ ngày phạm tội mà cơ quan pháp luật chưa bắt được người đó, chưa khởi tố và ra lệnh truy nã họ và họ không phạm tội mới nữa thì không cần thiết phải truy cứu TNHS đối với họ - vì mục đích của trách nhiệm hình sự đã đạt được.
Đây là ý nghĩa nhân đạo của quy định về thời hiệu truy cứu TNHS. 

Trong vụ án này, nỗi đau mất người thân là không gì đo đếm được. Một thầy thuốc Nam lương thiện vì bị tình nghi mà đã ôm nỗi oan khuất đến cuối đời dù may mắn không bị kết án oan. Còn người con trai của nạn nhân đã phải bỏ ra 41 năm để bôn ba khắp nơi, đến nỗi không màng lập gia đình mà đơn độc đi tìm hung thủ giết mẹ.

Với những mất mát ấy, người thực hiện hành vi phạm tội chịu TNHS là lẽ công bằng, cũng là cách xoa dịu một phần nỗi đau cho người mất lẫn người còn sống, đồng thời trả lại sự trong sạch cho người bị hàm oan. Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là thời hiệu truy cứu TNHS đã hết.

Về mặt Nhà nước và pháp luật đã bỏ qua cho người có hành vi phạm tội ở trường hợp trên. Nhưng ở mặt đạo đức, những người trong cuộc có tha thứ cho người này hay không?

40 năm là thời gian rất dài đối với một con người: Người con đi tìm hung thủ và người chạy trốn. Trong thời gian đó, người phạm tội có thể đã có các thế hệ con cháu của mình. Vấn đề gì sẽ xảy ra nếu một người đã là ông nội, ông ngoại nhưng đã từng phạm tội ác tày trời? Hậu quả tinh thần sẽ ra sao đối với con cháu của họ?

Kéo dài hơn 40 năm tìm kiếm và chạy trốn, mỗi người trong cuộc đều phải tự hỏi mình sống để làm gì!

Cả cuộc đời hơn 40 năm chạy trốn có phải là hình phạt của cuộc đời áp cho họ hay không? Và cho dù đến nay người phạm tội không cần trốn chạy vì pháp luật đã không thể trừng phạt họ nhưng liệu họ có chạy trốn được tòa án lương tâm của mình và sự phán xét của xã hội và người thân?!

Thôi thì đành coi đây như là hình phạt còn nặng nề hơn cả những mức án của pháp luật mà người phạm tội phải ăn năn với chính mình, với những nạn nhân và thân nhân của họ đến suốt đời.

 
Cái chết oan khuất và nỗi oan của ông thầy thuốc Nam
Ngày 31-7-1980, một vụ án giết người, cướp của xảy ra tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Thuận Hải (nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận).
Nạn nhân là bà Phan Thị Khanh (sinh năm 1954, lúc đó 26 tuổi) bị sát hại bởi nhiều nhát dao; số nữ trang 1,6 lượng vàng 24K đựng trong túi vải mà bà luôn mang theo bên người bị mất.
Năm đó anh Đỗ Thanh An, con của nạn nhân, mới chỉ 7 tuổi. Từ đó đến nay, anh An đã làm nhiều nghề khác nhau để theo dấu kẻ tình nghi. Ông đã hai lần phát hiện ra kẻ tình nghi và báo cơ quan chức năng, song do nhiều lý do khác nhau, người đó vẫn chưa sa lưới pháp luật.
Đến nay, sau 41 năm, khi hung thủ thật sự vẫn chưa được cơ quan pháp luật xác định. Trong khi đó, thời hiệu truy cứu TNHS người phạm tội đã không còn, tức nếu bắt được người biết chắc đó là hung thủ thì vẫn... không làm gì được họ.
Khi vụ án xảy ra, cơ quan công an còn bắt giam oan một ông thầy thuốc Nam, đó là Đó là ông Võ Tê, sinh năm 1932, lúc đó 48 tuổi. Ông Tê được trả tự do sau gần năm tháng bị bắt giam nhưng đến nay, khi ông khuất núi đã 27 năm, vẫn chưa được cơ quan tố tụng nào xin lỗi, bồi thường oan và phục hồi danh dự cho ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm