Làn sóng Pokémon Go đang làm mưa làm gió tại nhiều nước. Không ít tai nạn và hệ lụy ngoài ý muốn đã nảy sinh khiến các nhà quản lý phải đau đầu. Tuy nhiên, cơn sốt toàn cầu này cũng mở ra vô số cơ hội kinh doanh cho những người thức thời và sáng tạo.
Pokémon Go “giải cứu” Thái Lan
Thái Lan vừa trải qua một tuần lễ đẫm máu với hàng loạt vụ đánh bom nhắm vào nhiều khu vực du lịch nổi tiếng của nước này. Tại TP Phuket, nơi đón tiếp gần 5 triệu khách du lịch trong một năm, hai vụ đánh bom liên tiếp đã nổ ra tại thị trấn biển Patong. Đây là thị trấn du lịch trọng điểm của TP Phuket. Đã có liên tiếp 11 vụ đánh bom xảy ra tại năm tỉnh miền Nam Thái Lan trong tuần qua, làm bốn người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương. Các chuyên gia lo ngại những vụ đánh bom sẽ khiến khách du lịch sợ hãi và rời xa Thái Lan.
Trước thách thức này, chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha quyết định tìm cứu tinh trong làn sóng đang khiến cả thế giới phát cuồng: Trò chơi thực tế ảo Pokémon Go. Thái Lan mong muốn dựa vào lực hút của trò chơi này để xây dựng lại hình ảnh một địa điểm du lịch an toàn và hấp dẫn, tạp chí Time đánh giá. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết sẽ phối hợp với Tập đoàn Công nghệ True Corp (Thái Lan) để tăng thêm các địa điểm PokeStop (nơi người chơi đến để nhận vật phẩm miễn phí) và Gym (nơi người chơi có thể thi đấu với nhau). Theo bà Bộ trưởng Kobkarn Wattanavrangkul, các địa điểm này sẽ được phân bố ở những địa điểm du lịch nổi tiếng và có độ an toàn cao. Chiến lược này nhằm tăng lượng du khách cho các khu vực trên với mồi nhử là các vật phẩm và nhân vật hiếm có trong Pokémon Go.
Tờ Bangkok Post dẫn lời bà Kobkarn cho biết: “Bộ Du lịch và Thể thao sẵn sàng thiết kế cả một bản đồ infographic và bộ tài liệu hướng dẫn cho các thợ săn Pokémon khi họ đến Thái Lan. Các tài liệu này sẽ cung cấp cụ thể địa điểm, bí quyết bắt Pokémon cũng như các lời khuyên về những điều nên và không nên làm cho du khách”. Theo tạp chí Time, hiện vẫn chưa rõ các “điểm nóng” Pokémon này có trùng với các địa điểm du lịch bị đánh bom hay không. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan vẫn tự tin chiến lược này sẽ phần nào khôi phục lại được niềm tin của du khách quốc tế và trong nước đối với môi trường an ninh nước này.
Theo tờ Bangkok Post, công ty mẹ của hãng công nghệ True Corp đã sớm đạt được thỏa thuận với nhà sản xuất Niantic của Pokémon Go cho phép phía Thái Lan độc lập lựa chọn các địa điểm PokeStop và Gym tại nước này. True Corp cũng được độc quyền bán các vật phẩm của Pokémon Go và phát triển phiên bản của trò chơi tại Thái Lan. True Corp đang lên kế hoạch trình làng Pokémon Go tại Thái Lan vào tháng 9-2016, một lãnh đạo của hãng này tiết lộ với Bangkok Post. Hãng công nghệ này hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của Tập đoàn Charoen Pokphand, thuộc sở hữu của người giàu thứ hai Thái Lan - tỉ phú Dhanin Chearavanont.
Người chơi Pokémon Go trước một cửa hàng McDonald tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AP
Một số trường đại học ở Thái Lan đã dán bảng yêu cầu sinh viên tắt chế độ thực tế ảo, không chơi Pokémon Go. Ảnh: Bangkok Post
Chạy theo cơn sốt Pokémon Go
Thái Lan là trường hợp đầu tiên của một quốc gia muốn tìm cách thu lợi từ cơn sốt Pokémon Go. Nhưng trước Thái Lan đã có rất nhiều công ty và cơ sở kinh doanh ở các nước tìm ra cách “lướt” theo làn sóng Pokémon Go.
Chuỗi cửa hàng McDonald tại Nhật Bản từ năm 2014 đã liên tục báo cáo thua lỗ trong kinh doanh. Làn sóng Pokémon Go xuất hiện và mang đến cơ hội vàng cho hãng thức ăn nhanh này. McDonald Nhật Bản lập tức ký kết thỏa thuận với nhà sản xuất Niantic, biến hơn 3.000 nhà hàng McDonald tại nước này trở thành các Gym trong bản đồ của Pokémon Go. Hãng thức ăn nhanh mong muốn biến các nhà hàng của mình trở thành nơi tập trung người chơi Pokémon Go, từ đó tăng doanh thu cho hãng. Nhật Bản chính là quốc gia khởi nguồn của Pokémon Go, sáng tạo bởi nhà sản xuất game Nitendo. Chính vì vậy, đất nước này cũng là nơi niềm đam mê về Pokémon Go lớn nhất trên thế giới. Theo trang Digital Trends, chiến lược này của McDonald Nhật Bản hứa hẹn sẽ gặt hái nhiều thành công.
Theo tờ Business Insider, nhiều chuỗi nhà hàng tại Mỹ cũng nhanh chóng ăn nên làm ra nhờ thức thời, bám theo trào lưu đang thịnh hành. Nhiều chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như Little Ceasar hay Buffalo Wild Wings nhanh chóng phát triển chiến lược thu hút người chơi Pokémon Go. Họ mua các vật phẩm “mồi” thu hút Pokémon tại các nhà hàng hoặc đưa ra các chương trình đặc biệt liên quan đến người chơi Pokémon Go. Các cửa hàng kinh doanh cũng nhanh chóng tận dụng công cụ mạng xã hội để truyền tin cho người chơi khi có Pokémon xuất hiện gần cửa hàng. Các hãng này còn sẵn sàng cho phép người chơi ghé ngang cửa hàng chỉ để bắt Pokémon.
Trung tâm thương mại Colonie tại New York cũng nhanh chóng ghi nhận lượng khách đi lại trong cơ sở này tăng gấp 40% cùng kỳ năm trước nhờ cơn sốt Pokémon Go. Susan Spaccarelli, trưởng bộ phận marketing và phát triển kinh doanh của Colonia, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy mức tăng trưởng lớn đến thế này trong lịch sử kinh doanh của trung tâm”. Theo tờ Albany Business Review, trung tâm mua sắm này đã dành một phần cơ sở để xây dựng cả một nhà thi đấu Pokémon. Nơi này tổ chức nhiều sự kiện thi đấu Pokémon Go và treo các giải thưởng hấp dẫn để thu hút khách hàng. Theo bà Spaccarelli, vào ngày tổ chức sự kiện đầu tiên, nhiều gian hàng tăng doanh số từ 11% đến tận 100%.
Ý tưởng kinh doanh mới lạ
Không chỉ làm lợi cho các cơ sở kinh doanh đã có tên tuổi, làn sóng Pokémon Go cũng mở đường cho hàng loạt ý tưởng kinh doanh “độc lạ” ăn theo. Các hãng vận chuyển hành khách đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội, mở ra đủ kiểu dịch vụ đưa đón an toàn cho người chơi Pokémon Go. Tại Mỹ, các hành khách sẵn sàng chi trả đến 50 USD cho một chuyến “taxi Pokémon” kéo dài một giờ đồng hồ. Người chơi có thể yên tâm ngồi trong xe, nhanh chóng đi đến các “điểm nóng” trên bản đồ để truy lùng các Pokémon hiếm.
Nhiều người còn mở ra dịch vụ “chuyên gia” hay “huấn luyện viên” Pokémon để giúp người chơi vượt qua các cấp độ khó hay tìm bắt các Pokémon hiếm. Những người chơi giỏi còn mở dịch vụ “lính đánh thuê”, điều khiển nhân vật Pokémon giùm những người quá bận rộn công việc nên không coi sóc tài khoản của mình được. Tờ Forbes cho biết các loại hình dịch vụ này đang đặc biệt ăn nên làm ra tại Mỹ. Một ngân hàng ở Nga thậm chí còn mở các dịch vụ bảo hiểm tai nạn cho người chơi Pokémon Go với những đề nghị vô cùng hấp dẫn.
Một startup công nghệ mới đây còn phát triển cả bóng bắt Pokémon ngoài đời thực. Quả bóng đặc biệt này tích hợp với điện thoại thông minh và tài khoản của người chơi. Nó cho phép người dùng ném quả bóng thật ngoài đời để tăng cảm giác chân thật. Đồng thời, nó còn giúp tăng xác suất bắt thành công cao hơn ứng dụng trong điện thoại thông minh.
Pokémon Go là một cơn sóng trên thế giới ảo. Còn khả năng biến được thách thức thành cơ hội hay không sẽ quyết định kẻ thắng và người thua ngoài đời thật.
Toát mồ hôi vì người chơi Pokémon Theo tờ New York Times, kể từ khi trò chơi Pokémon Go được ra mắt, nhiều cơ quan an ninh và các tổ chức tôn giáo ở một số nước đã bị đặt trong tình trạng báo động vì các rắc rối phát sinh từ trò chơi. Tại Saudi Arabia, các giáo sĩ Hồi giáo đã ra luật cấm trò chơi này, xem hình ảnh Pokémon là “phi Hồi giáo”. Chính phủ Bosnia cũng phải ra khuyến cáo an toàn cho người chơi. Cơ quan chức năng cảnh báo mọi người đừng mải mê bắt Pokémon và đâm đầu vào những bãi mìn còn sót lại từ những năm 1990. Trong khi đó, một quan chức Cơ quan truyền thông Ai Cập cho rằng Pokémon Go cần bị cấm cửa tại nước này. Ông lo ngại việc ứng dụng và người chơi chia sẻ hình ảnh hoặc video tại các cơ sở quân sự có thể đe dọa an ninh quốc gia. Các chính khách Nga cũng đồng quan điểm, cảnh báo việc không quản lý người chơi sẽ gây hậu quả không thể cứu vãn. Cùng lập luận này, Indonesia lo sợ người chơi Pokémon Go sẽ tạo cơ hội cho kẻ thù xâm nhập các cơ sở quân sự và đánh cắp các dữ liệu tuyệt mật. Một người Pháp đã bị chính quyền Indonesia tạm giữ vì đi vào doanh trại phía tây đảo Java để bắt Pokémon. Bộ Quốc phòng Israel cũng cảnh báo quân nhân không dùng ứng dụng này trong doanh trại. |