Lãi suất tiết kiệm tiếp tục 'lao dốc'

(PLO)- Lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài tại nhóm ngân hàng lớn chỉ còn 6,3%/năm là cao nhất và thấp nhất là 6%/năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-7, Agribank tiếp tục giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, ngân hàng này giảm 0,1 điểm % đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn gửi 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3%/năm. Đối với lãi suất các kỳ hạn dài từ 13 tháng đến 24 tháng, ngân hàng này giảm 0,3 điểm %, xuống còn 6%/năm.

Riêng với các kỳ hạn khác lãi suất không thay đổi. Theo đó, kỳ hạn 3-5 tháng là 4,1%/năm, 6-11 tháng là 5%/năm và 12 tháng 6,3%/năm.

Trong khi đó, 3 “ông lớn” khác là Vietcombank, BIDV, Vietinbank vẫn giữ nguyên biểu lãi suất huy động cũ. Theo đó, tiền gửi từ 13 tháng trở lên được các ngân hàng đồng loạt niêm yết ở mức 6,3%/năm, cao hơn 0,3 điểm % so với Agribank.

Trong nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, HDBank cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6 tháng tại HDBank hiện chỉ còn 7%/năm, thấp hơn 0,3 điểm % so với trước.

Tương tự, tiền gửi online kỳ hạn 12 và 13 tháng cũng chỉ còn 7%/năm, thay vì 7,3%/năm như lãi suất cũ. Đối với các kỳ hạn khác của cả hình thức gửi tiền trực tuyến và tại quầy vẫn được HDBank giữ nguyên mức cũ.

Trong dự báo về triển vọng kinh tế trong nửa cuối năm nay, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết: Ngày 15-3, 3-4, 25-5 và 19-6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chính thức giảm đồng loạt các lãi suất điều hành trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP kém hơn kỳ vọng.

Sự quyết liệt và nhanh chóng trong nỗ lực giảm lãi suất kích thích nền kinh tế đã một phần có hiệu quả, giúp lãi suất huy động giảm và thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào.

Thanh khoản hệ thống dồi dào làm cho diễn biến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn nhưng mức độ chậm hơn ở các kỳ hạn dài, duy trì ở mức nền thấp vào cuối quý 2.

Theo dữ liệu từ Wichart, mặt bằng lãi suất huy động thực tế đã tạo đỉnh từ đầu năm 2023 và duy trì xu hướng giảm cho đến thời điểm hiện tại và đã về sát mức lãi suất trước đại dịch Covid- 19.

Hiện lãi suất huy động 12 tháng nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh là 6,3%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn (ACB, MBB, VPB, TCB) là 6,83%, nhóm ngân hàng thương mại khác là 7,18%.

Theo KBSV, bình quân 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh, khoảng 1,35% trong khi lãi suất cho vay sẽ có độ trễ 3 – 6 tháng bởi giá vốn đầu vào của các ngân hàng vẫn chịu mức chi phí cao hơn do các khoản tiền gửi lãi suất cao chưa đáo hạn; Đồng thời rủi ro nợ xấu cũng sẽ tác động tới quyết định hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Theo ước tính sơ bộ, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ nhiệt 1% so với thời điểm cuối năm 2022.

KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2% (giảm 1,8% so với đầu năm và giảm 0,45% so với thời điểm hiện tại).

Lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng, dù có độ trễ nhưng cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1,8% - 2,3%/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm