Liên quan đến vụ “Khởi tố tội này, đình chỉ tội kia” (Pháp Luật TP.HCM từng thông tin), sáng 7-5, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ có buổi làm việc với ông Lê Văn Chuẩn xung quanh những khiếu nại về bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra đối với ông này.
Công an không thừa nhận làm oan
Tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã thông báo bác đơn khiếu nại của ông Chuẩn. Ông Chuẩn đã yêu cầu Cơ quan CSĐT ra quyết định giải quyết khiếu nại để ông có căn cứ khiếu nại tiếp. Ông cũng đề nghị cơ quan CSĐT cung cấp cho ông các quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra bị can về hành vi tham ô tài sản XHCN. Phía cơ quan CSĐT đã ghi nhận các ý kiến này của ông Chuẩn trong biên bản và cho biết sẽ trả lời sau.
Trong thông báo giải quyết khiếu nại của ông Chuẩn, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ khẳng định việc có bản kết luận và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chuẩn là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Phía cơ quan CSĐT cũng cho rằng căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ có liên quan và các tài liệu chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ, xét thấy do diễn biến tình hình mà hành vi của ông Chuẩn không còn nguy hiểm cho xã hội nên cơ quan CSĐT có kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chuẩn về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN.
Ông Chuẩn cho rằng cơ quan điều tra viện dẫn Điều 25 BLHS và đình chỉ điều tra là nhằm né bồi thường oan. Ảnh: G.TUỆ
Trao đổi với chúng tôi, ông Chuẩn cho biết ông đã có đơn gửi viện trưởng VKS TP Cần Thơ khiếu nại việc cơ quan CSĐT bác đơn của ông. Ông Chuẩn đề nghị VKS xem xét, sớm giải quyết vụ án của ông theo thẩm quyền.
Theo ông Chuẩn, việc cuối tháng 3-2014, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ ra kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can sau 23 năm là vi phạm pháp luật hình sự. “Năm 1991, tôi bị khởi tố hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Quá trình điều tra không có kết luận mà ra quyết định đình chỉ bằng tội khác. Đến khi tôi khiếu nại liên tục thì 23 năm sau cơ quan điều tra lại đem vụ án ra kết luận điều tra và đình chỉ bị can đối với tôi là vi phạm thời hạn điều tra, vi phạm tố tụng nghiêm trọng” - ông Chuẩn bức xúc. Cũng theo ông Chuẩn, việc đình chỉ điều tra với lý do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa mà cơ quan CSĐT đưa ra là nhằm né tránh trách nhiệm bồi thường oan.
Lý do đình chỉ chưa đúng luật!
Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều loạt bài phản ánh thực trạng cơ quan tố tụng xử lý hình sự nghi can, sau đó không kết tội được bèn lấy lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” để miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Nhiều người ví von quy định miễn TNHS như một cái phao đối với cơ quan tố tụng nhằm né bồi thường oan khi không chứng minh được tội phạm bởi theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp này sẽ không được bồi thường oan.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia pháp luật hình sự như Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), TS Phan Anh Tuấn (khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)… đều khẳng định trường hợp “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” được hiểu là do chính sách hình sự có thay đổi theo hướng hành vi sai trái đã bị khởi tố, điều tra, truy tố không còn đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc không còn bị quy định là tội phạm. Ví dụ, trước đây hành vi trộm cắp mà giá trị tài sản từ 500.000 đồng trở lên thì đã có thể truy cứu TNHS nhưng với quy định mới của pháp luật hình sự hiện nay, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên mới bị truy cứu TNHS.
Trở lại vụ án của ông Chuẩn, cho đến nay không hề có văn bản pháp luật nào nói rằng hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Do đó, theo chúng tôi việc cơ quan điều tra lấy lý do này để đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chuẩn là chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 25 BLHS.
GIA TUỆ
Tóm tắt vụ án Năm 1991, ông Chuẩn (lúc đó là phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, Thốt Nốt, Hậu Giang cũ) bị Công an huyện Thốt Nốt khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Tháng 2-1992, ông Chuẩn bị bệnh nên được công an cho gia đình bảo lãnh. Tháng 10-1992, Công an huyện Thốt Nốt có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chuẩn về hành vi… tham ô tài sản XHCN. Sau khi ông Chuẩn khiếu nại và Pháp Luật TP.HCM ngày 5-12-2013 có bài phản ánh, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã rút hồ sơ vụ án lên để xem xét. Ngày 13-3-2014, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã ký các quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra bị can về hành vi tham ô tài sản XHCN đối với ông Chuẩn. Tiếp đó, ngày 31-3-2014, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ ban hành kết luận điều tra về vụ án. Theo kết luận này, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho rằng do diễn biến tình hình mà hành vi của ông Chuẩn không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên căn cứ vào Điều 25 BLHS để đình chỉ điều tra vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chuẩn. |