Làm khó luật sư - Bài 4: Xử lý người “hành” luật sư ra sao?

Một kiểm sát viên VKS tỉnh Bình Dương và luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét BLTTHS và các văn bản hướng dẫn nên cụ thể hóa quy định thay thế điều tra viên nếu có căn cứ cho rằng họ cố tình làm khó luật sư.

Thay thế điều tra viên

Theo hai ý kiến này, nếu luật sư bị điều tra viên làm khó thì luật sư kiến nghị đến thủ trưởng cơ quan điều tra. Nếu lãnh đạo cơ quan này giải quyết không thỏa đáng thì luật sư kiến nghị đến VKS cùng cấp, nếu thấy có cơ sở thì VKS sẽ đề nghị thay điều tra viên khác để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra.

Luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An) đề xuất giải pháp trước mắt là trong quản lý hành chính của nội bộ ngành công an vẫn áp dụng các biện pháp kỷ luật như không xét thi đua ngành, chuyển công tác khác, không nâng cấp hàm… Cụ thể, khi có kết luận chính thức việc điều tra viên làm khó luật sư thì đơn vị quản lý cấp trên có thể áp dụng. Tuy các giải pháp này yếu, tính răn đe không cao song trước mắt cũng có tác dụng trong việc khiến cho họ có cách hành xử đúng đắn hơn. Vấn đề còn lại là cơ quan chủ quản, cấp trên có nghiêm túc xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật điều tra viên vi phạm hay không mà thôi.

Làm khó luật sư - Bài 4: Xử lý người “hành” luật sư ra sao? ảnh 1

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng,trả hồ sơ yêu cầu khắc phục vi phạm là biện pháp chế tài phù hợp và thiết thực nhất để hạn chế việc “hành” luật sư. Ảnh minh họa: CT

Trả hồ sơ yêu cầu khắc phục

Ở góc nhìn khác, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nói “chế tài” hợp lý nhất cho điều tra viên làm khó luật sư chính là đánh giá tính hợp pháp và hợp lý của những bản cung trong hồ sơ vụ án.

Theo Thẩm phán Hùng, muốn như vậy thì phải sửa luật theo hướng tất cả vụ án hình sự đều phải có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, bản cung nào không có chữ ký của luật sư thì không có giá trị pháp lý… Khi đó, chỉ cần mở hồ sơ vụ án ra là biết điều tra viên làm đúng hay làm sai. Nếu VKS và tòa thấy bản cung nào không có chữ ký của luật sư thì sẽ trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, nếu đã xử sơ thẩm thì cấp phúc thẩm phải hủy án vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Dù thực tế hiện nay số lượng luật sư của nước ta chưa thể đảm đương việc này nhưng theo Thẩm phán Hùng, đây là hướng sắp tới nên theo để phù hợp với cải cách tư pháp. Hiện nay, tòa án đã thực hiện được một phần của biện pháp này đối với một số vụ án bắt buộc phải có luật sư từ giai đoạn điều tra (bị can là người chưa thành niên, bị truy tố đến tử hình, có nhược điểm về thể chất - PV).

“Trả hồ sơ yêu cầu khắc phục vi phạm là biện pháp chế tài phù hợp và thiết thực nhất để hạn chế việc “hành” luật sư. Bởi thực tế với những vụ án bắt buộc phải có luật sư thì điều tra viên thường phải… năn nỉ luật sư tham gia để giúp họ thuận lợi cho quá trình điều tra. Vì thế, không nên xử lý nặng nề điều tra viên bằng các biện pháp hành chính nặng hoặc hình sự bởi vi phạm thì muôn hình vạn trạng, núp dưới đủ lý do, chặn được cái nọ thì phát sinh cái kia” - Thẩm phán Hùng nói.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cũng nhận xét nếu BLTTHS có quy định như vậy thì điều tra viên sẽ không còn dám vi phạm và sẽ phải rút kinh nghiệm cho những lần sau. Việc xử lý hành chính hay xử lý nội bộ cá nhân điều tra viên nào đó phạm lỗi với luật sư không phải là cách hay bởi nó vẫn nảy sinh tâm lý xử người này còn người kia, xử vụ này thì khi điều tra vụ khác họ vẫn tiếp tục vi phạm...

Quyền gặp mặt nghi can

Để tránh việc điều tra viên thường đưa ra giấy từ chối luật sư trong sự nghi ngờ của luật sư và những người thân, có ý kiến đề xuất pháp luật phải cụ thể hóa quyền gặp mặt người bị tạm giữ, tạm giam của luật sư.

Theo luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), nên chỉnh sửa, bổ sung Thông tư 70 của Bộ Công an theo hướng trong vòng ba ngày (trùng thời hạn cấp giấy chứng nhận người bào chữa), luật sư phải được gặp người bị tạm giữ, tạm giam. Có thể luật sư sẽ đi theo điều tra viên để trực tiếp gặp người bị tạm giữ, tạm giam một lần hỏi ý kiến họ xem có thuê luật sư không. Sau khi có trả lời sẽ lấy đó làm kết quả cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm