Lãnh 13 năm tù vì chiếm đoạt Bitcoin, bán lấy tiền tiêu xài

(PLO)- Bị cáo Thuận đã đăng nhập vào tài khoản của bị hại để chuyển Bitcoin vào các ví điện tử khác nhau, bán lấy tiền tiêu xài. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-11, TAND TP.HCM xét xử, tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Thuận 13 năm tù về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Nguyễn Thái Sơn bị phạt 8 năm 6 tháng tù, Nguyễn Công Dũng 10 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Theo cáo trạng, Thuận, Sơn có quen biết với ông Triệu Vĩ Sâm từ năm 2018. Ngày 24-4-2022, Thuận đến nhà ông Sâm ở quận 6 để mượn chiếc túi để đựng máy tính xách tay.

Thuận phát hiện bên trong có một tờ giấy ghi hàng chữ viết tiếng Anh. Do có hiểu biết trong lĩnh vực tiền điện tử, Bitcoin... nên Thuận biết đây là mã khôi phục ví tiền điện tử. Thuận lấy điện thoại mở ứng dụng Trust và đăng nhập hàng chữ trên tờ giấy và mở được ví tiền điện tử của ông Sâm có 7 Bitcoin.

Bitcoin
Các bị cáo trong vụ chiếm đoạt Bitcoin bán lấy tiền tiêu xài. Ảnh: SONG MAI

Do cần tiền tiêu xài, ngày 8-5-2022, Thuận đăng nhập vào ứng dụng Trust chuyển toàn bộ 7 Bitcoin sang ví của mình. Sau đó, Thuận mở thêm 3 ví điện tử và chia Bitcoin đã chiếm đoạt chuyển vào các ví này.

Cùng thời điểm, ông Sâm kiểm tra thì phát hiện bị mất số Bitcoin trong ví và nghi ngờ Thuận là người chiếm đoạt. Ông Sâm đã thông qua các mối liên hệ bạn bè để tìm Thuận, trong đó có kể cho Sơn nghe việc bị Thuận chiếm đoạt Bitcoin.

Sau khi được ông Sâm thông báo sự việc trên, Sơn đã liên hệ và kêu Thuận thuê khách sạn tại quận 8 ở tạm để phòng trường hợp ông Sâm đến nhà tìm. Sơn gọi điện thoại cho Dũng (ngụ Hà Nội) kể lại sự việc của và rủ Dũng vào TP.HCM tìm cách giúp Thuận giải quyết.

Hôm sau, Sơn và Dũng cùng đến khách sạn gặp Thuận. Thuận thừa nhận đã chiếm đoạt Bitcoin của ông Sâm và nhờ tìm cách giải quyết. Sơn và Dũng đồng ý giúp với điều kiện Thuận phải chia lại 4,3 Bitcoin.

Thuận đồng ý và chuyển 4,3 Bitcoin sang ví của Dũng. Sau đó, Sơn đổi 1,8 Bitcoin ra USDT rồi bán được hơn 775 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng của Dũng. Cả ba người đến ngân hàng rút 240 triệu đồng, đưa cho Thuận 200 triệu, còn lại Dũng cất giữ. Đối với số Bitcoin còn lại, Sơn lấy đầu tư tiền điện tử ở sàn Binance nhưng thua lỗ hết.

Sơn và Dũng còn sắp xếp cho Thuận lên nhà Sơn ở Lâm Đồng trốn. Đến ngày 11-5-2022, Thuận điện thoại cho ông Sâm hẹn về TP.HCM thỏa thuận giải quyết vụ việc. Trên đường đến gặp ông Sâm, Thuận bị công an bắt giữ, đưa về trụ sở làm việc.

Về trách nhiệm dân sự, Thuận đã bồi thường 240 triệu đồng và 2 Bitcoin; Sơn đã bồi thường 500 triệu đồng, Dũng đã bồi thường 535 triệu đồng cho ông Sâm.

Ông Sâm yêu cầu Sơn và Dũng bồi thường 4.3 Bitcoin tương đương 4,5 tỉ đồng và tiền tổn thất tinh thần 1,5 tỉ đồng.

Tại phần tuyên án, HĐXX căn cứ Điều 584 BLDS, xét thấy thiệt hại do tài sản bị xâm phạm không phải là thiệt hại tinh thần nên không có căn cứ xem xét yêu cầu đòi bồi thường tổn thất tinh thần 1,5 tỉ đồng của bị hại.

HĐXX nhận định pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận Bitcoin các loại tiền ảo khác là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi có căn cứ xác định được giá trị tài sản chiếm đoạt, căn cứ này phù hợp với chứng cứ khác trong vụ án thì vẫn xử lý đối với các bị cáo. Đối với 4.3 Bitcoin chưa thu hồi được không có căn cứ buộc các bị cáo bồi hoàn lại cho bị hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm