Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, đã phát biểu như vậy tại Hội thảo trực tuyến “Hợp tác liên kết trong lĩnh vực ngân hàng Nhật Bản và nguồn nhân lực tại Việt Nam" do Ngân hàng Shinkin Central Nhật Bản tổ chức mới đây.
Ông Sơn khái quát hiện có khoảng 400.000 người Việt đang cư trú tại Nhật. Hàng năm số người trẻ Việt Nam đến Nhật với mục đích làm việc đều tăng lên. Trong đó, một bộ phận thanh niên Việt Nam đặt mục tiêu rõ ràng đến Nhật học tập và tích lũy kinh nghiệm 3 năm, 5 năm, 10 năm rồi trở về nước.
Hiện lực lượng này trở thành những nhà quản lý, nhân sự cấp trưởng phòng, giám đốc ở các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam và đang cống hiến nhiều trong công cuộc mở rộng quy mô doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, mở rộng phạm vi kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện có khoảng 40.000 thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Ông Sơn cho rằng các doanh nghiệp có chiến lược đào tạo nhân lực vững vàng như vậy thì việc tạo điều kiện cho người lao động có được nền tảng học tập vững chắc về tiếng Nhật, văn hóa Nhật với mục tiêu ý chí cao độ là một việc làm hết sức quan trọng.
Ông Sơn cũng cho rằng Công ty Esuhai trong 15 năm qua đã và đang đào tạo định hướng nói trên với tư cách một cơ quan giáo dục.
Cụ thể, công ty đã tuyển dụng nguồn nhân lực có triển vọng dựa trên đánh giá học lực để tổ chức đào tạo tiếng và văn hóa Nhật, định hướng nghề nghiệp. Đến nay, công ty đã phái cử tổng cộng hơn 10.000 người đến các doanh nghiệp Nhật Bản làm việc.
Từ đó, vị CEO này nhận xét nguồn nhân lực trẻ này tuy còn thiếu kinh nghiệm nhưng nếu vận dụng vốn tiếng Nhật vững chắc và ý chí quyết tâm cao để học hỏi kiến thức và công việc, trang bị cho mình những kỹ thuật, kỹ năng cao cấp, thì hoàn toàn có thể trở thành lực lượng chủ chốt khi các doanh nghiệp Nhật mở rộng kinh doanh sang Việt Nam.
Đồng thời, nguồn nhân lực này cũng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp ngay tại Nhật với các vị trí cốt cán, ưu tú.
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai . Ảnh: CTV
Ông Sơn gợi mở một khi đã tuyển dụng nguồn nhân lực nước ngoài, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ lưu tâm đến cả quá trình trưởng thành của lực lượng đầy tiềm năng này.
Theo đó, các bên hiện đào tạo nhân lực hướng các bạn trẻ nhắm đến các vị trí quản lý trong tương lai thông qua kinh nghiệm làm việc tại Nhật chứ không đơn giản chỉ cho họ làm những công việc phổ thông như từ trước đến giờ.
Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật mở rộng thị trường sang Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng lộ trình tuyển dụng nhân lực theo tư duy mới như trên thì trong vòng 5-10 năm tới, một mũi tên sẽ trúng 2-3 đích. Vừa mở rộng được cả phạm vi kinh doanh và cơ sở sản xuất tại Việt Nam, vừa là đòn bẩy giúp cho ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển.
“Để có thể thực hiện được chiến lược này, điều cần thiết đối với các doanh nghiệp Nhật Bản là nhìn ra được cần phải phối hợp với cơ quan nào, tuyển dụng nhân lực thế nào và thiết kế cho họ con đường sự nghiệp ra sao ngay từ giai đoạn tuyển dụng nhân lực nước ngoài tại quốc gia của họ” - ông Sơn nói.