Gắp thức ăn cho nhau, uống chung một ly nước, chấm chung một chén mắm... là những thói quen thường gặp ở mỗi bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc "chung đụng" trong ăn uống này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên khoa Dược ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay việc ăn uống chung đụng có thể gây ra các vi khuẩn gây bệnh lây nhiễm thông qua đường vị. Trong đó có vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), đây là thủ phạm chính gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng và bệnh ung thư dạ dày.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, một trong những nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn HP là thói quen ăn uống "chung đụng" như gắp thức ăn cho nhau, chấm chung chén nước mắm... Ông lấy ví dụ nếu bản thân có vi khuẩn HP trong cơ thể, khi gắp thức ăn cho người khác, chúng ta sẽ vô tình lây nhiễm vi khuẩn có hại này sang cho người khác thông qua đôi đũa của mình.
Theo các chuyên gia, việc "chung đụng" trong ăn uống dễ làm lây nhiễm các bệnh về dạ dày, tá tràng. Ảnh: Internet
Cũng theo các tài liệu nghiên cứu y khoa, vi khuẩn HP có nhiều trong mảng cao răng, nước bọt, niêm mạc dạ dày, theo đó chúng lan truyền qua hai đường phân và miệng, trong đó lây do đường miệng phổ biến nhất.
"Hiện nay, điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn HP rất khó. Do đó, để phòng bệnh, người tiêu dùng nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân, tránh ăn uống chung đụng, nhất là khi bị các bệnh liên quan đến dạ dày, tá tràng..." -PGS-TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Theo đó, khi gắp đồ ăn, tránh để đũa chạm vào những phần thực phẩm còn lại, không khua khoắng đồ ăn chung. Nếu có điều kiện hãy sử dụng riêng dụng cụ ăn uống, nhất là chén nước chấm, hoặc sử dụng riêng thìa/đũa cho việc gắp thức ăn.
"Trong trường hợp bắt buộc, nếu phải gắp thức ăn cho người, chúng ta có thể đổi đầu đũa hoặc lấy một đôi đũa khác để gắp, điều này giảm khả năng lây nhiễm các vi khuẩn có hại cho sức khỏe" - PGS-TS Đức đưa ra lời khuyên.