Đáng buồn là những lễ hội chính thống đã bị cả những người tổ chức lẫn người tham gia lợi dụng với những mục đích khác nhau nhưng tựu trung đều mang tính vụ lợi. Người tổ chức thì vụ lợi vật chất đã rõ, người tham gia thì vụ lợi khi cầu xin thánh thần phù hộ mua may bán đắt, mua một bán 10! Bên cạnh đó là vô số những trò lố thiếu văn hóa, gây phản cảm.
Tết vừa qua đã xảy ra những vụ việc đáng phê phán tại những lễ hội chính thống. Như tại Hội Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội, các thanh niên cầm gậy gộc đánh nhau tranh cướp hoa tre và trầu cau tại đền Thượng gây náo loạn cả lễ hội. Sở VH-TT&DL TP Hà Nội đã phối hợp với công an kiểm tra sự việc nhưng giám đốc Sở lại đổ trách nhiệm cho bên an ninh. Tại lễ hội Đá cầu cướp phết ở sân đình Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, một số thanh niên đã cầm dao truy sát nhau. Cảnh tượng các thanh niên cầm dao bầu rượt nhau trong lễ hội làm nhiều người tham gia một phen hoảng vía! Thật ra đó chỉ là phần ngọn. Những hành vi vô văn hóa ấy là do thiếu giáo dục căn bản từ gia đình và xã hội của một bộ phận không nhỏ người tham gia lễ hội. Nhất là lớp trẻ, thành phần tham gia đông đảo nhất. Ngoài ra còn có những lễ hội mang danh là theo phong tục tập quán nhưng có điều gì đó không ổn, bị dư luận phê phán, như lễ hội chém lợn ở sân đình làng Ném Thượng (nay là khu phố Thượng), phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh. Lễ hội này đã bị bỏ hai năm qua, năm nay lại được phục hồi. Cảnh chém lợn diễn ra giữa trưa ở sân đình với sự chứng kiến của hàng trăm người già, trẻ, lớn, bé. Mặc dù ban tổ chức đã khuyến cáo không cho trẻ em chứng kiến cảnh chém lợn và không được lấy tiền quệt vào máu lợn nhưng nhiều người vẫn cho trẻ con đứng xem và nhiều người vẫn cố nhào vào lấy tiền quệt máu lợn lấy hên! Cảnh tượng thật khủng khiếp. Nhiều tổ chức bảo vệ động vật như Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã phản đối sự đối xử tàn ác với động vật. Nhưng có người vin vào tập tục có từ lâu đời và cả việc so sánh với “lễ hội đâm trâu” của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Kể cả lễ hội Lợn Thánh nhồi nhét thức ăn cho con lợn nặng ký nhất để được phong là “Lợn Thánh” của Đài Loan! Có lập luận cho rằng những hành xử tàn ác như thế cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến sự hung hãn của lớp trẻ hiện nay.
Bên cạnh những chuyện không hay, không đẹp trong các lễ hội là những trò lố, “chơi trội lấy tiếng” để được ghi tên vào sách kỷ lục lấy oai (còn phải kèm một khoản tiền không nhỏ). Nào lễ hội hoành tráng nhất, chiếc bánh chưng, bánh dày lớn nhất, chiếc bánh tét dài nhất, chai rượu to nhất… Dĩ nhiên để có được những cái nhất ấy, những “người chơi” đã phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ. Có người dùng những việc này để PR thương hiệu nhưng cũng có người thích chơi trội thôi…
PHẠM CHU SA