Lẽ ra người Việt phải có mức thu nhập trên 7.000 USD/năm

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tại Hội thảo về vấn đề này diễn ra ngày 21-7.

Đáp lời, ông Olin McGill, chuyên gia quốc tế của USAID GIG (dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ) cho hay: “Trước khi áp dụng tự động hóa thì phải đơn giản các thủ tục trên giấy tờ trước. Nhưng hiện nay cán bộ sống chủ yếu từ thủ tục. Nếu mọi thủ tục đều tự động hóa sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của họ”.

Không cải cách thì khó làm được

Theo ông Olin McGill, một trong những cải cách quan trọng trong việc thông quan là tăng tỉ lệ hàng hóa qua luồng xanh. Nghĩa là cán bộ hải quan không cần kiểm tra mà chỉ cần một chứng từ duy nhất là hàng hóa có thể qua luôn.

Một khi máy tính quyết định người nào được qua luồng xanh thì doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối, đồng thời giảm tiền lót tay cho cán bộ hải quan. “Công cuộc cải cách thành công của Gruzia (một quốc gia Âu Á tại vùng Caucasus phía bờ đông Biển Đen - PV) là tăng lương cho cán bộ thuế, hải quan, đồng thời giám sát chặt họ nếu họ có hành vi tiêu cực thì sa thải ngay” - ông Olin McGill nhấn mạnh.

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 tư vấn cho doanh nghiệp khai báo trên hệ thống thông quan điện tử tự động. Ảnh: Hoàng Hải

Tuy nhiên, ông Cung cũng cho hay Việt Nam đã nhiều lần tăng lương cho cán bộ lĩnh vực này. Hiện lương ngành thuế và hải quan gấp hai lần các công chức bình thường. Nhưng dường như cán bộ nhà mình vẫn chưa thấy đủ.

Đại biểu đại diện Tổng cục Hải quan nói thêm thể chế, bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, phối hợp không tốt cũng là nguyên nhân khiến việc thông quan diễn ra nhiều tiêu cực. “Nếu tăng lương bốn, năm lần mà không cải cách thể chế, bộ máy thì tình hình vẫn thế. Ngay cả khi giảm thời gian nộp thuế xuống 200 giờ, giảm thời gian làm thủ tục thông quan còn 13, 14 ngày mà không cải cách thể chế, bộ máy thì cũng khó làm được” - vị này nói.

Giảm thủ tục sẽ tăng GDP

Theo ông Olin McGill, trong bộ chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) thì chỉ số thương mại qua biên là quan trọng nhất. Trường hợp của Gruzia là một điển hình. Trong bốn năm cải cách môi trường kinh doanh, nước này lượng hóa được chi phí tiết kiệm đạt mức 744 triệu USD, một khoảng tiền lớn đối với quốc gia chỉ có 4 triệu dân.

Trong đó việc tạo thuận lợi trong thương mại góp phần quan trọng để tăng GDP của Gruzia. “Cụ thể về thương mại qua biên, thời gian xuất khẩu của Gruzia đã giảm 42 ngày. Còn thời gian nhập khẩu giảm 38 ngày. Nhờ vậy GDP của Gruzia đã gia tăng khoảng 4 tỉ USD” - ông Olin McGill dẫn chứng.

Ông Olin McGill cho rằng nếu Việt Nam muốn vào tốp các quốc gia có thời lượng thông quan xếp hạng trung bình thì phải giảm ngày nhập khẩu từ 21 ngày xuống 14 ngày và giảm ngày nhập khẩu xuống còn 13 ngày. Nếu giảm trung bình bảy ngày thì GDP sẽ tăng lên thêm gần 30%. Qua báo cáo của WB về thương mại qua biên cho thấy mỗi một ngày xuất, nhập khẩu chậm trễ sẽ mất đi 1% kim ngạch xuất, nhập khẩu. Tức mất đi hàng tỉ USD.

Hợp lý và tự động hóa mọi thứ

Ông Olin McGill cho rằng để giảm thời gian thông quan hàng hóa từ vị trí 65 vào tốp trung bình xuống với thời gian thông quan còn 10 ngày thì cũng dễ như ăn miếng bánh, còn giảm để lọt vào tốp cao với thới gian thông quan dưới 10 ngày thì mới là vấn đề khó khăn.

Từ đó ông Olin McGill nêu ra một số nguyên tắc của Gruzia do cựu cố vấn trưởng của Thủ tướng Gruzia Vakhtang Lejava đúc kết: “Về nguyên tắc, Chính phủ không bao giờ hỏi một công dân hay doanh nghiệp về một thông tin mà họ đã có. Bởi lẽ tham nhũng là một vấn đề kỹ thuật, mỗi tương tác giữa doanh nghiệp và chính phủ là một cơ hội cho tham nhũng. Hãy loại bỏ mọi tương tác có thể, đơn giản là sức mạnh. Hợp lý hóa và tự động hóa tất cả mọi thứ”.

Tức là các cơ quan chính phủ cần có sự phối hợp để chia sẻ thông tin với nhau, tránh tình trạng cùng một thông tin nhưng nhiều cơ quan nhà nước cùng đòi hỏi. Đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. “Gruzia làm được, tại sao Việt Nam không trong khi Việt Nam có nhiều lợi thế hơn?” - ông Olin McGill đặt vấn đề.

THU HẰNG

Lẽ ra người Việt phải có mức thu nhập trên 7.000 USD/năm

Qua bộ chỉ số môi trường kinh doanh của WB khảo sát cho thấy một mối tương quan giữa hiệu quả quản lý và sự thịnh vượng. Trong số 30 quốc gia có chỉ số môi trường kinh doanh tốt đều là những nước có thu nhập bình quân đầu người cao. Các quốc gia xếp hạng càng thấp thì thu nhập bình quân càng thấp. Với xếp hạng của Việt Nam ở vị trí 99 sẽ thuộc nhóm 91-120 có mức thu nhập trung bình 7.500 USD nhưng thực tế Việt Nam lại có mức thu nhập 1.400 USD. Ở đây có một sự chênh lệch đến hơn 6.000 USD. Điều đó cho thấy điều hành của Chính phủ đạt hiệu quả chưa cao.

Ông OLIN MCGILL, chuyên gia quốc tế của USAID GIG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm