Liên kết TP.HCM và ĐBSCL: Cần có bước đột phá

(PLO)- Sự hợp tác là toàn diện nhưng quá dàn trải, chưa xác định lĩnh vực nào là trọng tâm, là đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, còn TP.HCM được xem như đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước và suốt chiều dài lịch sử, mối quan hệ của vùng và TP.HCM càng khắng khít và bền chặt.

Việc TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đã đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Nhìn lại, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực xã hội, mở ra cơ hội hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp của TP.HCM, đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp và tiêu thụ nông sản an toàn, ổn định…

Tuy nhiên, chương trình hợp tác giữa hai bên vẫn còn những điểm nghẽn mà các bên đã nhìn nhận.

Thực tế hơn 20 năm qua cho thấy liên kết, hợp tác chỉ đáp ứng về nhiệm vụ chính trị và những cam kết về chính trị, chính sách, trong khi vấn đề cốt lõi là câu chuyện về kinh tế và chủ thể quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thì chưa thật sự rõ nét.

Các cuộc gặp gỡ giữa các cơ quan địa phương vùng ĐBSCL và TP.HCM thường thể hiện qua tuyên bố chung trong hợp tác mà chưa thật sự bàn bạc, thảo luận sâu các lĩnh vực có thể hợp tác hiệu quả, chưa có kế hoạch cụ thể triển khai chương trình.

Chương trình hợp tác chưa đi vào trọng tâm. Bởi hợp tác, triển khai hầu hết trên tất cả ngành, lĩnh vực và hầu như sở, ban ngành nào cũng có nội dung và chương trình hợp tác.

Nhìn vào hình thức thì sự hợp tác là toàn diện nhưng quá dàn trải, chưa xác định lĩnh vực nào là trọng tâm, là đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên.

Dư địa phát triển của ĐBSCL cũng như TP.HCM là rất lớn. Cạnh đó, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL và Nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng nhấn mạnh đến vấn đề liên kết, kết nối vùng.

Thế nên để chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đi vào thực chất, chặt chẽ và thực sự có hiệu quả thì cần phải đi vào thực chất, tạo ra động lực mới, các cơ hội mới cho sự phát triển của đôi bên. Cao hơn cả là tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn vùng với TP.HCM.

Muốn vậy cần xác định trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung, du lịch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nông nghiệp chất lượng cao, phối hợp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu…

Cũng cần xem xét hài hòa lợi ích trong mối liên kết này; doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải được xem là chủ thể quan trọng của mối liên kết, hợp tác thì mới kỳ vọng có hiệu quả.

Và điều quan trọng không kém là cần có “nhạc trưởng” để điều phối chung, trong đó các bên sớm nghiên cứu hình thành cơ quan điều phối hợp tác, liên kết giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL chứ không phải là song phương giữa TP.HCM với các tỉnh, thành như thực tế hiện nay. Trong đó cần phát huy vai trò hạt nhân, dẫn dắt của TP.HCM và TP Cần Thơ cho sự liên kết này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm