Thế giới ngầm mua bán xác người ở Mỹ - Bài 2

Liên minh ngầm kinh doanh cơ thể người

Tại các nhà mai táng ở khu đô thị Sin City thuộc TP Las Vegas, bang Nevada (Mỹ) đều xuất hiện tờ rơi của công ty môi giới Southern Nevada với dòng chữ “Hỗ trợ tư vấn khi bạn cần”, hãng tin Reuters cho biết.

Hãi hùng như phim kinh dị

Công ty Southern Nevada sử dụng nhà kho mượn của một nhà mai táng để trữ đông thi thể. Từ mùa thu năm 2015, những người sống gần nhà kho này bắt đầu phàn nàn về một mùi hôi thối khó hiểu và những hộp có vết máu trong thùng rác. Đến tháng 12-2015, cơ quan y tế địa phương nhận khiếu nại từ người dân rằng có hoạt động kỳ lạ diễn ra trong sân của khu nhà kho.

Báo cáo của các thanh tra y tế địa phương mô tả cảnh tượng không khác chi phim kinh dị. Hoạt động rã đông thi thể được thực hiện bằng vòi nước bình thường với dòng nước thải không được xử lý và chảy ra đường sá. Các vết máu không được xử lý đảm bảo an toàn y tế, máy cấp đông bị rút điện gây thối rữa thi thể. Các thanh tra còn phát hiện thêm một cưa máy có vết máu. Cơ quan y tế địa phương xác định Southern Nevada là một công ty môi giới mua bán thi thể người hiến xác.

Hãng tin Reuters cho biết ngoài Southern Nevada, khắp nước Mỹ còn có 33 công ty môi giới giao dịch thi thể người hiến xác. 25/34 cơ sở này hoạt động vì lợi nhuận, số còn lại hoạt động phi lợi nhuận. Theo thống kê của Reuters, từ năm 2011 đến năm 2015 các cơ sở môi giới nhận ít nhất 50 thi thể người hiến xác và phân phối hơn 182.000 bộ phận. Trong ba năm gần đây, trung bình một cơ sở môi giới vì lợi nhuận kiếm được ít nhất 12,5 triệu USD.

Nhiều cơ sở mai táng đã trở thành đối tác của những công ty môi giới thi thể người hiến xác trong ngành nghề kỳ lạ này. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Liên minh ngầm

Các công ty môi giới có quan hệ rất chặt với ngành công nghiệp mai táng. Hãng tin Reuters xác định 62 cơ sở mai táng có giao dịch với các công ty môi giới. Phía mai táng sẽ tạo điều kiện cho phía công ty môi giới tiếp cận gia đình của người quá cố. Nếu công ty môi giới thương lượng thành công, bên mai táng sẽ được nhận 300-1.430 USD phí giới thiệu. Khoản tiền này là nguồn thu nhập không nhỏ với những người làm dịch vụ lễ tang, không ít người xem việc môi giới hiến xác mới là công việc chính của họ, theo Reuters. Tình trạng cơ sở mai táng khuyến khích các gia đình hiến xác người thân ngày càng tăng, không cần biết điều gì xảy ra sau đó. Thông tin được cung cấp cho thân nhân người quá cố cũng mù mờ.

Theo ông Walt Mitchell, một thương nhân TP Phoenix (bang Arizona) mở ba công ty môi giới, một lý do khiến ngành nghề kỳ lạ này xuất hiện là do hiến xác dẫn đến không tốn chi phí đầu vào. Bên môi giới có thể bán một thi thể hoàn chỉnh có được từ việc hiến miễn phí với giá 3.000-5.000 USD, đôi lúc giá có thể lên đến 10.000 USD, theo Reuters. Quy mô, chuyên môn và mức độ đầu tư của từng cơ sở cũng không giống nhau. Ông Garland Shreves, người sáng lập cơ sở có tên Research for Life năm 2009 ở Arizona, cho biết đã đầu tư hơn 2 triệu USD cải tiến quy trình kiểm soát chất lượng và trang thiết bị y khoa, mua cả máy chụp X-quang để kiểm tra thi thể. Tuy nhiên, cũng có người chỉ đầu tư vỏn vẹn 100.000 USD là mở được một cơ sở. Nhiều chủ cơ sở tiết kiệm tiền bằng cách dùng các công cụ không đúng chuẩn phẫu thuật. Nhiều người lược bỏ các thủ tục kiểm soát chất lượng và các khóa huấn luyện công phu mà Hiệp hội Ngân hàng mô Mỹ đề nghị theo học.

Bà Angela McArthur, Giám đốc bộ phận hiến xác tại ĐH Minnesota (Mỹ), cho rằng thị trường mua bán xác đã trở nên tự do đến mức làm mất phẩm giá của người chết. Ảnh: REUTERS

Quân đội cũng bị lừa

Theo hãng tin Reuters, quân đội Mỹ từng xúc tiến một dự án nghiên cứu thiệt hại do bom mìn nhằm giảm thương vong ở các chiến trường như ở Iraq, Afghanistan. Để đo lường tác động, quân đội phải tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm nổ. Ban đầu quân đội Mỹ có cân nhắc đến dùng hình nộm nhưng không đạt yêu cầu. Cuối cùng quân đội Mỹ quyết định dùng thi thể người. Đã có hơn 100 thi thể được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm của dự án này. Theo điều tra của hãng tin Reuters, có tới 34 thi thể hoặc bộ phận thi thể được cung cấp cho quân đội thử nghiệm trái ý nguyện người hiến thay vì phục vụ mục đích y học.

Thực tế là quân đội Mỹ có chính sách không sử dụng thi thể hoặc bộ phận người hiến xác vào thử nghiệm quân sự nếu không có sự đồng ý ban đầu của người hiến hoặc thân nhân. Chính sách này yêu cầu trước khi quyết định sử dụng xác cho thử nghiệm quân sự phải xem qua các bản cam kết hiến xác, theo Reuters. Tuy nhiên, ở các trường hợp vi phạm, các bản cam kết hiến xác mà quân đội Mỹ kiểm tra không phải là các bản mà người hiến đã ký.

Các quan chức quân đội liên quan đến dự án thử nghiệm bom mìn trên thừa nhận thời điểm đó họ đã tin tưởng vào cam đoan của bên môi giới. Phía quân đội được thuyết phục rằng gia đình những người quá cố đã đồng ý cho sử dụng thi thể được hiến tặng vào các thử nghiệm của quân đội. Lần đầu tiên họ nhận thấy điều bất ổn là từ tháng 1-2014, sau khi công ty môi giới hợp tác với dự án bị nhà chức trách khám xét. Ông Randy Coates, người giám sát dự án thử nghiệm, cho dừng ngay lập tức các cuộc thử nghiệm quân sự và triển khai một đội điều tra đối chiếu các bản cam kết quân đội được cung cấp với các bản cam kết công ty môi giới nắm giữ. Có ít nhất 34 trường hợp không trùng nhau, theo Reuters.

Ông Coates cho biết ông đã quá tin tưởng vào các bản cam kết mà nhà môi giới cung cấp là hợp lệ và cho rằng “quân đội cũng là nạn nhân từ hoạt động kinh doanh” của công ty này. Tuy nhiên, phía các nhà nghiên cứu của quân đội vẫn phải thừa nhận rằng dự án chỉ có thể trông mong vào các công ty môi giới để có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm quân sự với điều kiện phải có sự đồng ý của người hiến.

Phá sản liên tiếp

Dù lợi nhuận khủng nhưng thực tế có đến 1/3 trong 34 cơ sở mua bán xác mà hãng tin Reuters điều tra được đã phá sản hoặc không đóng nổi thuế. Trong trường hợp công ty môi giới Southern Nevada và nhà mai táng Valley, thời điểm năm 2015 cả hai đều đang khó khăn về tài chính. Theo tài liệu Reutersthu thập từ nhà chức trách bang Nevada, nhà mai táng Valley hiện không còn hoạt động, người chủ đã qua đời. Công ty môi giới Southern Nevada cũng bị giải thể trong nợ nần, ông chủ Joe Collazo chuyển nghề sang làm quản lý tại một đại lý xe hơi.

Trường y cũng từng dính bê bối

Hầu hết trường y ở Mỹ đều có quy định nghiêm ngặt về đối xử với xác chết, cả về kiểm soát chất lượng bảo quản và hướng dẫn đạo đức ứng xử. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào các quy định này cũng được tuân thủ nghiêm. Năm 2004, ĐH Tulane (bang New York) tiết lộ các thi thể được hiến cho trường bị chuyển cho một nhà môi giới rồi sau đó chuyển cho quân đội để dùng vào các cuộc thử nghiệm mìn.

Đầu năm 2017, tờ New York Times cũng đã đưa tin vụ việc ĐH New York từng chôn một số lượng không rõ xác hiến tặng cùng một nấm mồ. Trường này sau đó phải công khai xin lỗi và cho biết đã sửa đổi chính sách để bảo vệ tốt hơn ý nguyện của người hiến xác.

___________________

Bài cuối: Loạn mua bán thi thể, Mỹ thiếu luật quản lý

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm