Quân đội Mỹ có kế hoạch tài trợ xây dựng các cơ sở chế biến đất hiếm nhằm đảm bảo nguồn cung loại khoáng sản đặc biệt quan trọng này cho hoạt động sản xuất vũ khí và các trang bị điện tử quân sự, hãng Reuters đưa tin hôm 11-12.
Động thái này đánh dấu khoản đầu tư tài chính đầu tiên của quân đội Mỹ vào việc sản xuất đất hiếm quy mô thương mại kể từ dự án Manhattan phục vụ chế tạo bom nguyên tử từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai.
Một khu vực khai thác đất hiếm tại núi Pass, California. Ảnh: SCMP
Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội cập nhật lại chuỗi cung ứng các vật liệu thích hợp và cảnh báo việc lệ thuộc vào các quốc gia khác về khoáng sản chiến lược có thể gây hại cho hoạt động phòng thủ của Mỹ.
Trung Quốc - quốc gia khai thác và chế biến đất hiếm lớn nhất thế giới - đã đe dọa sẽ dừng xuất khẩu mặt hàng chuyên dụng này cho Mỹ và có thể sử dụng sự vượt trội của mình như một công cụ mặc cả trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
"Ngành công nghiệp đất hiếm Mỹ cần sự giúp đỡ to lớn để chống lại Trung Quốc", ông Jim McKenzie - giám đốc điều hành của doanh nghiệp đang phát triển các dự án đất hiếm ở Alaska là UCore Rare Metals - cho biết.
Ông cho rằng quyết định đầu tư này "không chỉ liên quan tới vấn đề tiền bạc mà nó còn được coi là sự hỗ trợ to lớn từ Washington".
Tháng trước, cơ quan quản lý vũ khí - đạn dược của Quân đội Mỹ đã yêu cầu các nhà khai thác đề xuất chi phí cho một nhà máy chế biến đất hiếm nặng, một loại khoáng chất chuyên dụng quý hiếm cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Tài liệu đưa ra thời hạn là ngày 16-12 để UCore, Tập đoàn Khoáng sản Texas và một số doanh nghiệp khác đưa ra bảng đề xuất chi phí, một nguồn thạo tin nói với Reuters.
Quân đội cho biết họ sẽ chọn một dự án để tài trợ tới 2/3 chi phí cho nhà máy tinh chế đất hiếm và có thể xem xét tài trợ thêm cho một dự án khác. Các công ty muốn nhận hỗ trợ phải cung cấp kế hoạch kinh doanh cụ thể với thông tin rõ ràng về địa điểm khai thác và chế biến.
Trung tâm Hóa sinh thuộc Bộ Tư lệnh Phát triển năng lực tác chiến Mỹ và Quân đội Mỹ chưa có bình luận về vấn đề này.
Reuters dẫn số liệu từ các chuyên gia cho biết một nhà máy chế biến đất hiếm có giá trị đầu tư khoảng 5 triệu - 20 triệu USD, tùy thuộc vào địa điểm, quy mô và nhiều yếu tố khác. Chi phí có thể lên tới 100 triệu USD nếu muốn xây dựng một nhà máy quy mô lớn.
Đây là động thái mới nhất của Quân đội Mỹ sau khi một nghiên cứu được công bố đầu năm nay về thực trạng chuỗi cung ứng đất hiếm của Mỹ.
Nguy cơ căng thẳng về đất hiếm giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên đáng lo ngại sau khi Trung Quốc giới hạn xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản vì những bất đồng ngoại giao.
Việc này đã làm giá mặt hàng hàng này tăng nhanh và gợi lên mối lo ngại Bắc Kinh có thể có động thái tương tự với Washington, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa thể chấm dứt.