Thế giới ngầm mua bán xác người ở Mỹ - Bài cuối

Loạn mua bán, thiếu luật quản lý

Việc hiến xác phục vụ nghiên cứu có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của y học và công tác đào tạo sinh viên ngành y. Theo các bác sĩ phẫu thuật, không hình nộm hay chương trình máy tính nào có thể mang lại được phản ứng trực quan và kinh nghiệm cảm xúc như thực hành trên các bộ phận cơ thể người thật sự. Các nhà nghiên cứu nhờ vào các bộ phận thi thể hiến tặng để phát triển các công cụ, kỹ thuật phẫu thuật hay cách cấy ghép mới, cũng như để phát triển thuốc và cách điều trị mới. Các công ty thiết bị y tế cũng cần tới xác để thử nghiệm các thiết bị mới phát triển. Tuy nhiên, thực trạng thiếu quy định quản lý tại Mỹ đã dẫn tới nhiều tiêu cực.

Vi phạm nhưng không thể truy tố

Ông Harold Dillard ở TP Albuquerque (bang New Mexico) chết vì ung thư giai đoạn cuối năm 2009 và có nguyện vọng hiến xác. Sau khi ông qua đời, một số nhân viên công ty môi giới Bio Care đến nhà người quá cố đề nghị gia đình hiến xác ông cho khoa học.

Người con gái là cô Farrah Fasold thuận lời. Nhưng đến khi nhận bình tro hỏa táng phần thi thể còn lại của cha do Bio Care giao lại, cô lại nghi ngờ đây không phải tro cha mình và đề nghị điều tra. Tháng 4-2010, cô được nhà chức trách thông báo phát hiện phần đầu của thi thể ông Dillard nằm trong các bộ phận thi thể được chất trong một lò thiêu y tế. Bên trong nhà kho của Bio Care, nhà chức trách tìm thấy ít nhất 127 bộ phận phân ra từ 45 thi thể. Một thanh tra cảnh sát viết trong bản khai về vụ khám xét nhà kho Bio Care cho biết tất cả thi thể đều có dấu hiệu không được phân tách bằng dụng cụ đúng chuẩn y tế. Ông Paul Montano, chủ Bio Care, bị cáo buộc tội lừa đảo. Tuy nhiên, các công tố viên không thể truy tố vì New Mexico không có luật quy định chuyện xử lý thi thể được hiến tặng cho nghiên cứu.

Cô Fasold khẳng định gia đình không bao giờ ký giấy chấp thuận hiến xác nếu biết trước các bộ phận thi thể của ông Dillard sẽ bị kinh doanh. Trong cuộc điện thoại với bà Kari Brandenburg, trưởng công tố quận Bernalillo của bang New Mexico, cô được cho biết bang New Mexico không có luật hình sự cụ thể để cấu thành tội danh trong trường hợp trên. Bà Brandenburg cũng cho biết sở dĩ ông Montano đối xử tệ bạc với thi thể ông Dillard là vì các thỏa thuận mua bán với bên thứ ba bị đổ vỡ (?!). Trả lời phỏng vấn của Reuters, bà Brandenburg chia sẻ rằng bản thân cũng bất mãn vì không có luật bảo vệ những người như cô Fasold và người cha quá cố. Nhà chức trách cuối cùng cũng truy tìm được các bộ phận khác của thi thể cha cô Fasold, một số ở lò thiêu, một số được trữ tại nhà kho của Bio Care, chuyển về cho cô hỏa táng đúng nghi thức.

Thi thể hiến tặng có vai trò quan trọng trong khoa học. Chuyên gia Drew Gaworski thuộc công ty sản xuất dụng cụ y tế Vertiflex dùng một xương sống được hiến tặng để hướng dẫn BS Richard Stayner (trái) cách sử dụng dụng cụ trong một hội thảo ở Virginia (Mỹ) hồi tháng 9. Ảnh: REUTERS

Cô Farrah Fasold bên bức ảnh của mình cùng cha khi còn sống. Ảnh: REUTERS

Chỉ một bang có giám sát

Mỹ đã có các quy định nghiêm ngặt về hoạt động cấy ghép các cơ quan (như tim, gan, phổi, mắt) từ một người vừa qua đời để cấy ghép vào cơ thể người sống. Hình thức sử dụng da, dây chằng hay xương từ người vừa qua đời để điều trị các vấn đề về khớp hay các bộ phận khác của cơ thể người sống cũng được giám sát nghiêm. Thế nhưng việc mua bán thi thể người không dùng vào mục đích cấy ghép lại bị pháp luật thả nổi, theo Reuters.

Hiện Mỹ vẫn chưa có luật liên bang kiểm soát các công ty môi giới. Trong khi đó, chưa có cơ quan chính phủ nào được thành lập hoặc giao trách nhiệm riêng cho công tác giám sát các thi thể được hiến cho nghiên cứu khoa học và giáo dục y khoa, theo Reuters. “Chuyện bán từng phần hay cả thi thể cho nghiên cứu hay giáo dục không vi phạm pháp luật” - theo GS luật Sheldon F. Kurtz tại ĐH Iowa, người tham gia chỉnh sửa luật về xác hiến tặng để giải phẫu, đã được ban hành ở 46 bang. Luật này được cập nhật năm 2006 nhưng vẫn không có quy định gì về việc bán từng phần hay toàn bộ thi thể cho nghiên cứu hay giáo dục.

Từ năm 2006, ngành công nghiệp mua bán thi thể người phát triển mạnh. Chỉ có bốn bang (New York, Virginia, Oklahoma và Florida) yêu cầu các công ty môi giới đăng ký với cơ quan y tế bang, phải xin phép khi muốn vận chuyển ra khỏi bang. Thế nhưng chỉ duy nhất bang New York có hồ sơ theo dõi và ghi chép chi tiết về ngành công nghiệp kỳ lạ này. Theo dữ liệu của cơ quan y tế bang New York từ năm 2011 đến 2014, các công ty môi giới ở bang này đã bán ít nhất 100.000 bộ phận thi thể khắp nước Mỹ. Phần lớn các bang khác đều không có hồ sơ theo dõi do luật thả nổi.

Cần bảo vệ người quá cố

Công ty môi giới Southern Nevada sử dụng một nhà kho mượn của một nhà mai táng để trữ đông thi thể, năm 2015 từng bị phát hiện cẩu thả trong công tác bảo quản và rã đông các thi thể người hiến xác. Thế nhưng nhà chức trách Nevada vẫn không làm được gì nhiều ngoài việc phạt công ty này tội làm ô nhiễm môi trường. Bảy tháng sau khi thanh tra y tế kiểm tra, tình trạng cẩu thả và mất vệ sinh vẫn tiếp diễn.

Tại Honolulu (bang Hawaii), cảnh sát từng hai lần đến trụ sở một công ty môi giới để kiểm tra. Lần nào họ cũng phát hiện tình trạng cẩu thả trong bảo quản thi thể người hiến xác. Tuy nhiên, cả hai lần ông chủ công ty này đều không bị truy tố vì bang này chẳng có luật quy định việc bảo quản thi thể hiến tặng ở các công ty môi giới. Theo giám đốc chương trình hiến tặng thi thể ĐH Hawaii Steven Labrash, nước Mỹ đang rất cần xây dựng luật bảo vệ người hiến xác, hay chính xác hơn là bảo vệ các thi thể. Năm 2004, một cơ quan y tế liên bang từng kêu gọi chính phủ Mỹ vào cuộc quản lý ngành công nghiệp mua bán thi thể người nhưng không thành công. Kể từ đó đã có hơn 2.357 bộ phận thi thể từ ít nhất 1.638 người hiến xác bị mua bán và lạm dụng ở khắp nước Mỹ, theo tài liệu mà hãng tin Reuters thu thập được từ các tòa án, cảnh sát, từ nội bộ các công ty môi giới.

Trước thực tế quá nhiều công ty môi giới ở Mỹ hiện tại, các học giả và những người biết rõ về ngành này cho rằng chính phủ Mỹ cần thanh tra thường xuyên các công ty trong ngành công nghiệp này, cũng như kiểm tra chặt chẽ hơn các giấy cam kết hiến xác. Tuy nhiên, theo GS giải phẫu học và sinh học Todd Olson tại trường y Albert Einstein thuộc ĐH Yeshiva (Mỹ), các biện pháp này cũng không bảo đảm mang lại kết quả thực chất vì không có quy định luật pháp phù hợp và rõ ràng thì sẽ “không có ai phải chịu trách nhiệm”.

Buôn bán cả thi thể người có bệnh

Vào tháng 1-2018, người môi giới có tên Arthur Rathburn ở TP Detroit (bang Michigan) sẽ phải ra tòa án TP với cáo buộc lừa đảo, cung cấp cho bác sĩ các bộ phận thi thể bị nhiễm bệnh viêm gan và HIV để sử dụng trong hội thảo đào tạo. Điều tra của Reuters cho thấy dù đã có các dấu hiệu cảnh báo, nhà chức trách Detroit vẫn để cho Rathburn tự do hoạt động trong cả thập niên, mua bán hàng trăm bộ phận thi thể trong thời gian này.

Công ty môi giới BRC ở bang Arizona cũng có hành vi tương tự. BRC bán cho các nhà nghiên cứu ở Tucson nhiều mô mắt và tai của người quá cố bị nhiễm virus viêm gan B, chuyển cặp mắt từ một thi thể nhiễm virus viêm gan C đến một công ty sinh học ở Utah, chuyển một chân trái nhiễm virus viêm gan B đến một trung tâm đào tạo chẩn đoán gần Atlanta.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm