Thời gian qua, hàng loạt dự án khu đô thị, khu dân cư với mức đầu tư hàng ngàn tỉ đồng được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư. Động thái này đã giúp “kích hoạt” thị trường nhà đất Thanh Hóa sôi động hơn.
Khai sinh nhiều dự án ngàn tỉ
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, mặc dù thị trường bất động sản có phần trầm lắng hơn so với trước nhưng gần đây tỉnh đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư, tái định cư phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa.
Khu dân cư này gồm 687 căn nhà ở, trong đó có 377 căn nhà ở thương mại được xây thô và hoàn thiện mặt trước (366 căn liền kề và 11 căn biệt thự); 310 căn nhà ở xã hội (chung cư) được xây dựng hoàn thiện và hai lô đất ở tái định cư (dự kiến để bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời thực hiện dự án).
Trước đó, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới số 1, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn (đây là huyện sắp được sáp nhập về TP Thanh Hóa) quy mô gần 50 ha với vốn đầu tư lên tới hơn 4.800 tỉ đồng. Đây sẽ là nơi an cư trong tương lai của khoảng 12.100 người, xấp xỉ 1/7 dân số của huyện Đông Sơn hiện tại. Dự kiến trong quý IV-2024, huyện Đông Sơn sẽ được sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Dương (38 tuổi), một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nhà đất, đánh giá thời gian gần đây Thanh Hóa triển khai nhiều chính sách nhằm gỡ khó cho thị trường nhà đất. Trong đó có thể kể đến việc ngân hàng liên tục hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các chủ thể trong thị trường tiếp cận nguồn vốn vay.
“Sau một thời gian trầm lắng, giá nhà đã trở về mức phù hợp. Người mua nhà cũng có nhiều lựa chọn hơn do sản phẩm bất động sản tại khu vực khá đa dạng” - ông Dương nói.
Ở vị trí người mua nhà, chị Lê Thu Hà - ngụ huyện Hà Trung cho rằng hiện nay giá đất vẫn cao so với mặt bằng thu nhập của người dân địa phương. Vì vậy, các sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, có giá dưới 1 tỉ đồng đang được nhiều người dân, gia đình trẻ quan tâm.
“Thời gian gần đây, Thanh Hóa có khá nhiều dự án nhà ở xã hội, giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tôi đã tìm được một căn hộ ở TP Thanh Hóa và may mắn được hỗ trợ vay với lãi suất rẻ. Giấc mơ an cư nay đã sắp thành sự thật” - chị Hà vui vẻ nói.
Nhà đầu tư chờ giá đất giảm thêm
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều nhà đầu tư vẫn có tâm lý kỳ vọng giá nhà đất tiếp tục giảm nên chưa vội đầu tư. Tính từ thời điểm thị trường nhà đất Thanh Hóa ghi nhận giá giao dịch đạt đỉnh hồi tháng 4-2022 đến nay, phân khúc chủ lực vẫn là đất nền, nhà thương mại tại các địa phương như TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương. Mặt bằng giá tại đây đã giảm từ 10% - 30% và số lượng giao dịch cũng giảm.
Những lô đất nền ở vị trí đẹp xung quanh các đô thị vệ tinh TP Thanh Hóa đang có mức giá chào bán từ 18 - 30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đất nền ở tuyến huyện đều giảm mạnh, có nơi mức giá giảm từ 20- 40% nhưng độ hấp thụ vẫn kém và không nhận được nhiều sự quan tâm của người mua.
Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, khung pháp lý và nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Trong đó, tháo gỡ các vướng mắc về quỹ đất, quy định pháp luật và trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng là yếu tố nền tảng cho thị trường nhà đất hồi phục. Thanh Hóa hiện đang rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản. Điều đó thể hiện qua loạt dự án đã được phê duyệt gần đây.
Ông Nguyễn Ngọc Dinh, Giám đốc một công ty bất động sản lớn ở Thanh Hóa
Thị trường nhà đất Thanh Hóa hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn trong hơn hai năm trở lại đây. Một số chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá nhìn chung thị trường nhà đất từ trước tết đến nay lượng giao dịch ở tất cả các phân khúc vẫn nhỏ giọt, có nơi gần như đóng băng. Thực trạng này khiến hàng loạt sàn giao dịch, văn phòng môi giới bất động sản tại địa phương đóng cửa.
Tuy nhiên, với nhiều tín hiệu tích cực từ các chính sách của Chính phủ, lãnh đạo địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà đất, các chuyên gia và nhà đầu tư tỏ ra lạc quan, tin tưởng trong quý III và IV-2024 thị trường sẽ có chuyển biến.
Mới đây, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và đại diện các sở, ngành dự hội nghị trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Rất nhiều chính sách nhằm gỡ khó cho thị trường nhà đất đã được ban hành. Trong đó phải kể đến việc các ngân hàng liên tục hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiếp cận vốn triển khai dự án và khách hàng tiếp cận dòng tiền mua nhà.
Bên cạnh đó, sau một thời gian trầm lắng, giá nhà đã trở về mức hấp dẫn và tạo động lực để khách hàng sẵn sàng đầu tư nhằm đón đầu cơ hội tăng giá trong thời gian tới.