Bộ Xây dựng là đơn vị xây dựng, nghiên cứu và hoàn thiện nghị quyết về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại (NƠTM) giá thấp, trình Chính phủ trong quý III-2020.
Một nội dung của dự thảo nghị quyết đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân và doanh nghiệp là các dự án NƠTM, khu đô thị mới bắt buộc phải dành tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở của dự án để xây dựng NƠTM giá thấp.
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp
Trao đổi với PV ngày 7-7, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết bộ đang soạn thảo dự thảo nghị quyết xây dựng NƠTM giá thấp để dự kiến trình Chính phủ trong quý III-2020.
“Tới đây dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để thống nhất nội dung trước khi trình Chính phủ” - ông Ninh cho hay.
Mục tiêu của dự thảo nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng căn hộ có diện tích dưới 70 m2 có giá bán khoảng 20 triệu đồng/m2, tương đương trên dưới 1 tỉ đồng/căn (đã bao gồm thuế VAT). Cùng với nhà ở xã hội, chính sách này nhằm giải quyết nguồn cung nhà ở với giá cả phù hợp cho phần lớn hộ gia đình có thu nhập thấp.
Theo đó, dự thảo nghị quyết đưa ra các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhà ở giá thấp như được hưởng cơ chế ưu đãi về thủ tục, đất đai, vốn vay với lãi suất thấp… Đặc biệt, một trong những nội dung đang được nghiên cứu để đưa vào dự thảo là Nhà nước sẽ đứng ra giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp. Để được nhận đất sạch này, các chủ đầu tư dự án NƠTM, khu đô thị mới phải dành tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở của dự án để xây dựng NƠTM giá thấp.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa quy định khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, cấp có thẩm quyền phải bố trí tỉ lệ quỹ đất ở để xây dựng NƠTM giá thấp.
Việc đầu tư xây dựng NƠTM giá thấp đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng hiện hành và đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kết nối hạ tầng trong và ngoài dự án theo quy định của pháp luật.
Đối tượng được mua nhà thương mại là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp chưa có nhà ở hoặc có nhà ở là căn hộ chung cư nhưng diện tích bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8 m2 sử dụng/người và có thu nhập bình quân dưới 14 triệu đồng/người/tháng.
Người mua NƠTM giá thấp được vay vốn từ các ngân hàng thương mại có hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất, thời hạn vay để thanh toán tiền mua nhà ở (trả ngay một lần hoặc trả góp).
Các dự án thương mại mới được khuyến khích dành 30% quỹ đất cho nhà giá thấp. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Nhà thương mại giá thấp có khả thi?
Theo các chuyên gia, chính sách NƠTM giá thấp sẽ giúp giải quyết đáng kể nhu cầu nhà ở của nhóm người thu nhập vừa và thấp tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Bên cạnh đó, chính sách này nếu được triển khai sớm sẽ góp phần kích thích lĩnh vực bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung có thêm cơ hội phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam (đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn bất động sản), nhận định chính sách NƠTM giá thấp chỉ có hiệu quả thực tế khi giải quyết được các bài toán về quỹ đất, thủ tục pháp lý, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm nhà ở.
“Nếu những rào cản trước mắt này được giải quyết một cách triệt để và đồng bộ, tạo ra những quỹ đất tốt, thủ tục trôi chảy và thuận tiện, nghị quyết của Chính phủ mới có khả năng thực hiện cao. Từ đó mang lại nhiều động lực và hứng thú cho các nhà đầu tư bất động sản” - ông Khương nói.
Liên quan đến quy định dành tối thiểu 30% tổng diện tích dự án cho nhà ở giá thấp, ông Khương cho rằng việc này chỉ khả thi khi Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông lưu ý điều khoản này vẫn có thể gây khó cho các doanh nghiệp trong triển khai thiết kế dự án. Đây là một tiêu chí quan trọng khi khách hàng lựa chọn mua nhà tại một dự án.
“Quy hoạch của mỗi dự án bất động sản đều có ý tưởng thiết kế cụ thể, thống nhất. Nếu dành 30% quỹ đất để xây dựng nhà giá thấp đặt bên cạnh 70% quỹ đất còn lại để xây dựng căn hộ ở phân khúc cao hơn sẽ khiến ý tưởng thiết kế tổng thể của dự án bị phá vỡ. Doanh nghiệp sẽ rất khó bán sản phẩm của mình” - ông Khương phân tích.
Kiên trì đề xuất cơ chế cho nhà ở giá thấp Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết trong 15 năm qua, HoREA đã kiên trì đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển NƠTM giá thấp. Tuy nhiên, không nên đánh đồng một mức giá cho tất cả tỉnh, thành phố mà nên có cơ chế, chính sách đối với dự án NƠTM giá thấp phù hợp với thực tiễn của các nhóm đô thị. Ví dụ, đối với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có thể mức giá trần trên 20 triệu đồng/m2 nhưng không vượt quá 25 triệu đồng/m2. |