Chủ trương này đã được TP.HCM vận động nhiều năm nay, đã từng treo băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền khắp nơi, triển khai xuống từng người dân trong các cuộc họp tổ dân phố nhưng vẫn có người cứ cho tiền, ăn xin vẫn có đất sống. Vì sao vậy? ThS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) lý giải: Khi mệt mỏi với cuộc sống xô bồ, người ta hay tìm đến đời sống tinh thần, đời sống tâm linh để tạo phước cho chính mình bằng cách giúp đỡ người khác, cho tiền người ăn xin đang chìa tay trước mặt là cách nhanh nhất. Cũng có những người lầm lỗi muốn làm gì đó cho lòng thanh thản hơn mong giải nghiệp cho mình cũng đã chọn cách cho tiền người ăn xin…
Vì sao vùng đất lý tưởng cho người ăn xin là Sài Gòn mà không là Đà Nẵng, Hà Nội? ThS Bùi Hồng Quân cũng lý giải rằng nét đẹp trong sự nghĩa hiệp phóng khoáng của người dân Nam Bộ là cơ hội cho “nghề” ăn xin tồn tại. Mặt khác, Sài Gòn là vùng đất lành thu hút dân cư ở khắp nơi tìm về sinh sống. Khi nhìn thấy những cảnh đời cơ hàn tha phương, trong mỗi người di cư lại gợi lên hình ảnh người dân nghèo nào đó trên quê hương mình. Lòng trắc ẩn trong mỗi người lại có dịp trỗi dậy.
Đối tượng ăn xin chủ yếu chỉ tập trung vào ba nhóm người: Trẻ em, người già và người tàn tật. Đã từng có những em bé bị cha mẹ giao cho chủ đưa đi xin ăn suốt cả quãng đời tuổi thơ, hứng chịu những trận bạo hành khi không xin đủ số tiền quy định mỗi ngày cho chủ để mỗi tháng họ ở nhà nhận “tiền lương” từ người chủ của con mình. Đã từng có những cụ già bị các tay chăn dắt về tận quê nhà lừa vào Sài Gòn hứa hẹn đi bán tăm bông với thu nhập cao nhưng khi vào đến nơi thì bị buộc phải hằng ngày đứng ở góc ngã tư chìa tay ăn xin. Để che giấu nỗi nhục khi buộc phải bán đi lòng tự trọng của mình, họ đã lấy khăn phủ mặt lại và chìa tay ra…
Đằng sau những con người yếu thế này luôn có bóng dáng của những tay chăn dắt. Đó là bức tranh ăn xin mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực để phản ánh.
Hằng ngày không thiếu những địa chỉ khó khăn cụ thể đang cần chúng ta giúp đỡ. Đừng quá lo cho những người lỡ đường, cơ nhỡ thật sự, chính sách an sinh xã hội đã không bỏ lọt đối tượng nào thật sự neo đơn vì người dân đã có mạng lưới các trung tâm bảo trợ xã hội ở các tỉnh nuôi dưỡng họ. Chỉ riêng hai năm qua đã có hơn 80 người lỡ đường hết tiền được Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM cho ngủ lại lưu trú qua vài đêm rồi cho tiền đón xe về quê. Vậy thì cho tiền người ăn xin nghĩa là chúng ta đã tước đi cơ hội được sống tốt hơn của họ, biết đâu đấy!