Đó là học sinh của lớp 12C1, Trường Dân tộc nội trú THPT số 2 tỉnh Nghệ An.
Ngày 11-7, cô Bùi Thị Lệ Thu (giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, Trường Dân tộc nội trú THPT số 2 tỉnh Nghệ An) cho biết: Niềm vui mừng của cả lớp 12C1 là cả lớp 27 em dự thi THPT quốc gia 2018 thì có 22 em đạt kết quả điểm môn ngữ văn từ 8 điểm trở lên; có năm em có điểm xét tuyển đại học khối C từ 26 đến 26,75 điểm (chưa bao gồm điểm ưu tiên); 16 em từ 24 đến 25,75 điểm khối C và hai em đạt trên 19 điểm”.
Các em cũng đang tự tin và hy vọng cả lớp 12C1 đỗ đại học.
Cô giáo và học sinh lớp 12C1, Trường Dân tộc nội trú THPT số 2 tỉnh Nghệ An.
Em Vi Hồng Hà Sương đạt điểm khối C cao nhất lớp với 26,75 điểm. Trong đó, văn đạt 8,75 điểm; lịch sử 8,25 điểm; địa lý 9,7 điểm. Em Sương từng là bí thư chi đoàn của lớp 12C1, từng đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi môn văn tỉnh Nghệ An.
Em Sương cho biết: “Em tự tin nhưng vẫn bất ngờ với kết quả thi của bản thân, ước mơ của em là được trở thành phóng viên nên em đã đăng ký nguyện vọng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội. Vừa qua, em đã ra Hà Nội để tham dự bài thi năng khiếu của học viện và đang chờ kết quả”.
Còn em Lô Thị Tĩnh (ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đạt 26,25 điểm xét tuyển khối C với điểm môn ngữ văn 9,5 điểm, địa lý 9 điểm và lịch sử 7,75 điểm.
Cũng như em Tĩnh, em Hà Thị Vân có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xã nghèo Nậm Nhóong (huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An) đã vươn lên, rời bản làng đi học. Em Vân cũng đạt 9,5 điểm môn ngữ văn, 8,75 điểm môn lịch sử và 7,75 điểm môn địa lý, với tổng điểm ba môn là 26 điểm (chưa cộng 2,75 điểm ưu tiên). Em Vân ước mơ được đi mọi miền đất nước nên sẽ đăng ký vào khoa Quản trị du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Em Vi Hồng Hà Sương đạt điểm khối C 26,75 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên) ước mơ trở thành nữ phóng viên.
Không chỉ học giỏi môn văn, môn địa lý của lớp 12C1 có thí sinh đạt 9,75 điểm, một thí sinh đạt 9,5 điểm và một nữ sinh đạt 9,25 điểm.
Các em cho biết gia đình, cha mẹ đều ở miền núi, các em đi học nội trú không có điều kiện đi học thêm ngoài giờ mà chỉ học trên lớp, học nắm kỹ trong sách giáo khoa qua bài giảng của thầy cô, cập nhật thêm kiến thức thời sự, xã hội và đọc thêm sách tham khảo.
“Tôi thực sự bất ngờ, vui mừng muốn khóc. Công đầu thuộc về sự nỗ lực đam mê học tập của các em, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, xa cha mẹ, ăn học nội trú trong trường suốt ba năm qua” - cô Thu nói.
Hiện các em đang về quê nhà, lên nương rẫy, ra đồng giúp cha mẹ và chờ giấy báo của các trường để tiếp tục rời bản làng miền núi đi học đại học.