Ngày 18-10, sau khi nước lũ rút, có nắng lên, người dân các địa phương dọc QL1A của huyện Lệ Thủy phải đổ lúa, gạo bị ngâm nước ra đường phơi khô. Vốn được xem là "vựa lúa" lớn của cả miền Trung nhưng cơn lũ lớn đã khiến hơn 2.000 tấn lúa, gạo của người dân trong vụ thu hoạch vừa rồi bị nảy mầm, ẩm mốc.
Cào những hạt thóc đã nảy mầm trắng, cụ ông Phạm Đăng Thuộc (Đông Thành, Liên Thủy, Lệ Thủy) buồn bã nói: “Bao nhiêu lúa bị nước lũ ngâm, nảy mầm hư hết rồi con ơi! Cả nhà trông chờ vào mấy tấn lúa, giờ chỉ còn biết phơi lên cho gà ăn”.
Người dân phơi gạo bị ngâm nước, ướt mốc trên đường
Cùng tình cảnh với cụ Thuộc, hàng chục nông dân khác cũng tranh thủ nắng ráo đưa lúa, gạo ra phơi. Những hạt gạo vụ mùa bị ngâm nước, vón lại thành từng cục và bắt đầu mốc meo. “Nước lũ lên nhanh quá, trở tay không kịp nên bao nhiêu gạo dự trữ trong nhà đều bị vô nước.
Giờ đổ ra phơi cho khô rồi làm thức ăn gia súc chứ không dùng được nữa” bà Trần Thị Nguyệt (xã Cam Thủy, Lệ Thủy) chua xót nói. Những chủ cửa hàng xay xát ở Lệ Thủy cũng ngao ngán khi toàn bộ lúa trữ trong kho, chuẩn bị xay xát đều hư hỏng. Họ phải thuê nhiều chuyến xe ô tô chở ra đường quốc lộ để phơi phóng.
Nước lũ lên nhanh, người dân không kịp di chuyển lúa gạo lên cao.
Ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho người dân địa phương. “Nước lũ lên nhanh quá, người dân không kịp di chuyển đồ đạc, lúa gạo nên hư hỏng hết. Cả trăm năm nay chưa có khi nào nước lũ lớn như vậy”.
Cũng theo ông Bảo, thiệt hại nặng nhất là các xã dọc theo QL1A khi nước lụt khu vực này lên nhanh, người dân trở tay không kịp.
Lúa bị nảy mầm, hư hỏng.
Hàng chục tấn lúa của bà Nguyễn Thị Viền (Liên Thủy, Lệ Thủy) bị nảy mầm.
Gạo bị nước lũ ngâm gây mốc meo
Cụ Thuộc đau xót nhìn gạo bị mốc meo, chỉ biết làm thức ăn cho gà.
Gạo mốc chỉ làm thức ăn cho gia súc.
Gạo mốc phơi dọc đường.