Cũng theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, vị trí sạt lở từ Km456+000 - Km456+090 (thuộc tỉnh Quảng Bình) với chiều rộng là 1,2 m, chiều sâu khoảng 12-18 m.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành phong tỏa khu gian Ngọc Lâm - Lạc Sơn hai lần. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, tại khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng và diễn biến phức tạp nên vùng sạt lở tiếp tục mở rộng. Tính đến 19 giờ ngày 14-10, đã có 11 điểm sạt lở trong khu gian từ ga La Khê đến ga Ngọc Lâm.
Tại ga La Khê nước ngập trên mặt ray 10 cm, đường ga số 1 và 3 phải phong tỏa; đường số 2 (chính tuyến) nước ngập 5 cm, phải dẫn đường và chạy với vận tốc 5 km/giờ. Tại Km396+625 đến Km396+650, nước trôi đá nền đường dưới đáy tà vẹt, phải phong tỏa lúc 16 giờ 45... Tại các ga Đồng Hới, Lệ Kỳ đã bị ngập hoàn toàn.
Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành phong tỏa khu gian và dừng 10 đoàn tàu khách và 12 đoàn tàu hàng đang nằm dọc đường chờ thông tuyến.
Tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn qua Quảng Bình bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: GIAO THÔNG
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết thêm ngay sau khi có thông tin về đợt mưa lớn kéo dài, Tổng Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trong khu vực bị ảnh hưởng thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với hậu quả do mưa lũ gây ra. Các đơn vị trong khu vực đã điều động hàng trăm công nhân tham gia cứu chữa, khắc phục sự cố và theo dõi trực chốt tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.
Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang tiếp tục bám sát diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các đơn vị trong khu vực tập trung vật tư, nhân lực, phối hợp tổ chức vận chuyển vật tư, thiết bị và công tác cứu chữa, đảm bảo thông tàu trong thời gian sớm nhất.
Chiều cùng ngày, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo khắc phục sự cố tàu khách bị tắc nghẽn tại Quảng Bình do sạt lở đường ray.
Theo đó, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương chuẩn bị và cấp phát thức ăn, nước uống cho hành khách đi tàu; hướng dẫn, thông tin để hành khách yên tâm; đề xuất và thực hiện phương án giải tỏa hành khách nếu thời gian ách tắc kéo dài.
Ngoài ra, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chủ động phối hợp ngay với chính quyền địa phương và các lực lượng khác trên địa bàn địa phương để huy động lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố tàu khách bị tắc nghẽn và giải tỏa hành khách.