Luật Căn cước: Hy vọng sự ổn định bền vững

(PLO)- Trong tám năm qua, các thay đổi về căn cước, đã gây ra không ít phiền toái nên khi QH thông qua Luật Căn cước, hy vọng sẽ thật sự tạo ra sự ổn định bền vững, khép lại một vấn đề từng gây nhiều ý kiến này.

Luật Căn cước được Quốc hội chính thức thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, trừ một số trường hợp đặc thù. Dù được đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành nhưng trước đó, rất nhiều ý kiến đa chiều của đại biểu Quốc hội bàn luận về nó.

Cũng dễ hiểu bởi luật này liên quan mật thiết với sinh hoạt xã hội, mối quan hệ của công dân với Nhà nước, chưa kể luật còn được nhiều chuyên gia là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khối tư pháp quan tâm sâu sắc.

Chỉ nguyên quy định về giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đang sinh sống ở Việt Nam cũng đã thu hút nhiều ý kiến của nhiều ĐB. Bởi những người làm công tác tư pháp có lẽ cảm thấy địa vị pháp lý cũng như tư cách pháp lý khi những người được cấp giấy chứng nhận này giao dịch với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam là khá… chênh vênh.

Ngay như chuyện tên luật là “Luật Căn cước” hay “Luật CCCD” cũng là một vấn đề mà ý kiến nghiêng về phía nào cũng không hẳn là đã ngã ngũ trong quá trình thảo luận tại nghị trường.

Thường thì trước một vấn đề như vậy, QH sẽ cho biểu quyết riêng như từng xảy ra với điều khoản “cấm lái xe khi trong hơi thở và máu có nồng độ cồn” trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hồi tháng 6-2019. Nhưng giải trình của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy ngay cả Bộ Chính trị cũng rất quan tâm đến tên luật và đã có kết luận.

Còn về mặt thực tiễn, không chỉ ĐBQH mà chắc là công dân Việt Nam đều mong muốn Luật Căn cước này sẽ khép lại những phiền toái khi mà - như một ĐBQH đã phát biểu trên nghị trường: “Chỉ trong vòng tám năm mà căn cước được thay đổi mấy lần, rất tốn kém không chỉ cho công dân mà còn cho chính các cán bộ công an làm công tác này”.

Có thể tại mỗi thời điểm một chính sách được đề xuất thì thực tiễn, nhất là trình độ công nghệ luôn có những bước nhảy vọt khiến pháp luật có thể không theo kịp. Vì vậy, nhà làm luật luôn phải tiên liệu để khi pháp luật ban ra sẽ không bị coi là lỗi thời trong tương lai gần.

Luật Căn cước lần này tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH nên điều khoản chuyển tiếp đã quy định một khoảng thời gian để CCCD gắn chip hay CMND vẫn được sử dụng nếu còn thời hạn...

Nhưng điều quan trọng hơn, được quan tâm hơn có lẽ là sự ổn định của chính sách về căn cước. Bởi trong tám năm qua, các thay đổi về căn cước, nói một cách công bằng, đã gây ra không ít phiền toái cho công dân trong giao dịch. Đành rằng phục vụ chuyển đổi số hay tạo sự thuận tiện cho quản lý nhà nước là điều cần thiết nhưng nếu chính sách nói chung và chính sách căn cước nói riêng không tiên lượng được, không có tính ổn định… thì chính sách ấy sẽ lại đẩy người dân vào những phiền toái mới.

Giờ đây, khi QH thông qua Luật Căn cước, ai cũng hy vọng từ đây sẽ thật sự tạo ra sự ổn định bền vững, khép lại một vấn đề từng gây nhiều ý kiến này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới