Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn chín năm thi hành.
Theo Bộ Tài chính, Luật giá 2012 đã góp phần kiểm soát lạm phát hàng năm theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô; hệ thống giá điện, nước sạch cho sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có lộ trình. Đồng thời thu hẹp danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội…
Tuy nhiên, thực tiễn sau chín năm thi hành Luật cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định. Nội dung một số quy định còn có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho áp dụng thực hiện; một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc đã có một số vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải được thể chế tại Luật.
Xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Ảnh: PHI HÙNG |
Quy định về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá
Theo nội dung dự thảo, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc Danh mục do Chính phủ quy định chi tiết.
Trong các trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục để áp dụng trong thời hạn nhất định.
Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên Bộ Tài chính có điều chỉnh theo nội dung chính sách bao gồm:
- Bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá; hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
- Điều chỉnh biện pháp đăng ký giá gộp vào nội hàm biện pháp kê khai giá; theo đó biện pháp kê khai giá sẽ là biện pháp được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kênh thông tin nắm bắt kịp thời các diễn biến về giá để đề xuất chủ trương bình ổn giá trong trường hợp cần thiết.
- Điều chỉnh biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá trở thành một bước trong việc tổ chức thực hiện bình ổn giá nhằm giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân gây biến động về giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn các biện pháp bình ổn giá phù hợp với thực tế.
- Cụ thể hóa rõ hơn biện pháp“áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế”. Trong trường hợp áp dụng biện pháp định giá hàng hóa, dịch vụ để bình ổn giá thì trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án giá đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật ngân sách hoặc có cơ chế hỗ trợ hợp lý, phù hợp với thẩm quyền.
Bổ sung hàng hóa do Nhà nước định giá
So với quy định hiện hành, dự thảo lần này đã bổ sung hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán và không thể thay thế vào nhóm hàng hóa do Nhà nước định giá.
Về nguyên tắc hiệp thương giá, dự thảo quy định các đối tượng đề nghị hiệp thương phải là doanh nghiệp mua, bán hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán mà bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được; hàng hóa, dịch vụ quan trọng được sản xuất hoặc kinh doanh trong điều kiện đặc thù.
Việc tiếp nhận, tổ chức hiệp thương được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, cả hai bên đều phải có văn bản đề nghị hiệp thương. Đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch trong quá trình hiệp thương.
Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ phải niêm yết hàng hóa theo quy định. Ảnh: TU |
Bổ sung quy định về kê khai, niêm yết giá
Dự thảo lần này cũng đã bổ sung quy định về kê khai giá, theo đó hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, giá tham chiếu; một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; một số hàng hóa, dịch vụ tại địa phương. Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá.
Cũng theo quy định bổ sung tại dự thảo, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện niêm yết giá bao gồm: Cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm); Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật; Cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các tổ chức, cá nhân khác theo quy định.
Bốn lý do phải ban hành Luật giá (sửa đổi)
Một là, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn chín năm thi hành Luật giá và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.
Hai là, để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Ba là, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế là một nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.
Bốn là, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo Tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính