Lý do cần bổ sung 2 đối tượng cảnh vệ

(PLO)- Trong bối cảnh tội phạm có tổ chức ngày càng manh động, bất chấp để trả thù như hiện nay, việc đưa Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ càng mang tính cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tổ chức bộ máy nhà nước, tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng xét xử nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong đó, vai trò của Chánh án TAND Tối cao là rất quan trọng.

Theo Hiến pháp 2013 thì ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất và có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được hiến pháp trao cho Quốc hội, Chính phủ và tòa án mà đứng đầu là TAND Tối cao.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Hiện nay, người đứng đầu cơ quan lập pháp hay cơ quan hành pháp là đối tượng cảnh vệ. Trong khi đó, Chánh án TAND Tối cao - người đứng đầu cơ quan tư pháp lại chưa phải là đối tượng cảnh vệ. Điều này trong bối cảnh hiện nay là chưa thật sự hợp lý, chưa thể hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013.

Không phải ngẫu nhiên mà Hiến pháp 2013 quy định sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội (người đứng đầu cơ quan lập pháp), Thủ tướng Chính phủ (người đứng đầu cơ quan hành pháp), Chánh án TAND Tối cao (người đứng đầu cơ quan tư pháp) phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của những người đứng đầu các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quy định trên vừa phản ánh nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước, vừa tạo cho người đứng đầu các cơ quan này có đầy đủ vị thế và thẩm quyền độc lập, chịu trách nhiệm độc lập trước đất nước, nhân dân. Do đó, việc bổ sung Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ là điều rất cần thiết và cần được thực hiện ngay trong bối cảnh Quốc hội đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017.

Ngoài Chánh án TAND Tối cao thì Viện trưởng VKSND Tối cao cũng cần được cân nhắc bổ sung vào đối tượng cảnh vệ.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nghiên cứu tình hình an ninh chính trị thời gian gần đây cho thấy ngày càng có nhiều vụ tấn công các nhà lãnh đạo trên thế giới. Việc này có nhiều động cơ, mục đích khác nhau nhưng không loại trừ việc trả thù vì lý do hoạt động công vụ của các lãnh đạo.

Với đặc thù công việc liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do và nhiều lợi ích của con người, hoạt động của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao mang tính rủi ro rất cao. Một khi có những rủi ro tiềm ẩn như vậy thì cần phải có cơ chế bảo vệ hữu hiệu mà cảnh vệ là một trong những giải pháp thiết thực.

Với đặc thù công việc liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do và nhiều lợi ích của con người, hoạt động của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao mang tính rủi ro rất cao.

Đơn cử, theo Luật Thi hành án hình sự năm 2019, trước khi thi hành án tử hình, chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình phải công bố quyết định không kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao. Như vậy, để thi hành án tử hình, không thể không nhắc tới các quyết định quan trọng của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.

Trong bối cảnh tội phạm có tổ chức ngày càng manh động, bất chấp để trả thù như hiện nay thì việc đưa Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ càng mang tính cấp thiết.

Bảo vệ sự an toàn về tính mạng, sức khỏe cho Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao bằng lực lượng cảnh vệ góp phần củng cố niềm tin của người dân. Bên cạnh hợp với lòng dân, bổ sung này cũng phù hợp với ý Đảng bởi đó là sự thể chế hóa Kết luận 35-KL/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về danh mục các chức danh, chức vụ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm