Thẩm phán Tòa án Tối cao ở các nước được cảnh vệ như thế nào?

(PLO)- Thẩm phán Tòa án Tối cao đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật nên luôn đối mặt những nguy hiểm nhất định; cùng xem các nước trên thế giới bảo vệ nhân vật này thế nào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỹ

Tại Mỹ, Cảnh sát Tòa án Tối cao, một trong những cơ quan cấp liên bang nhỏ nhất, chịu trách nhiệm bảo vệ các thẩm phán, nhân viên của Tòa án Tối cao cũng như trụ sở tòa án, theo tờ Security Today.

Lực lượng cảnh sát Tòa án Tối cao Mỹ có khoảng 125 sĩ quan, gồm 8 đơn vị: đơn vị chiến đấu, đơn vị bảo vệ, đơn vị đánh giá mối đe dọa, đơn vị điều tra, đội bảo vệ danh dự, đội phản ứng chính, đơn vị ứng phó với bom mìn.

Cảnh sát trưởng của lực lượng này được bổ nhiệm bởi Tòa án Tối cao và phục vụ theo yêu cầu của Tòa án Tối cao.

Cảnh sát Tòa án Tối cao không liên quan Cảnh sát Tư pháp Mỹ (USMS) - một lực lượng thi hành pháp luật lâu đời nhất đất nước có nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn và bảo mật của các thủ tục tư pháp, bảo vệ các thẩm phán liên bang, bồi thẩm đoàn và các thành viên khác của cơ quan tư pháp trong vụ án cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhiệm vụ, chuyên môn và quyền hạn của hai cơ quan này tương tự như nhau.

Thông thường, lực lượng cảnh sát Tòa án Tối cao chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ Thẩm phám Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, khi các thẩm phán ra khỏi thủ đô Washington D.C hoặc sang nước ngoài, hay trong các trường hợp đặc biệt, cả lực lượng cảnh sát Tòa án Tối cao và lực lượng Cảnh sát Tư pháp sẽ cùng chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho những thẩm phán này.

Cảnh sát đứng bên ngoài nhà của Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ - ông Brett Kavanaugh tại bang Maryland khi những người ủng hộ quyền phá thai đến đây biểu tình ngày 11-5. Ảnh: CNBC

Cảnh sát đứng bên ngoài nhà của Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ - ông Brett Kavanaugh tại bang Maryland khi những người ủng hộ quyền phá thai đến đây biểu tình ngày 11-5. Ảnh: CNBC

Chẳng hạn như hồi tháng 5, khi có thông tin cho rằng Tòa án Tối cao Mỹ cho phép các bang tùy ý định đoạt vấn đề phá thai, những người biểu tình đã tập trung tại nhà của một số thẩm phán Tòa án Tối cao để phản đối. Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát Tư pháp Mỹ đã đến để đảm bảo “an ninh 24/24” tại nhà của tất cả chín thẩm phán này, theo kênh CNBC.

Gần đây, ngày 16-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua dự luật tăng cường bảo vệ an ninh cho các thẩm phán Tòa án Tối cao và gia đình của họ. Theo đạo luật, lực lượng cảnh sát Tòa án Tối đảm nhận trách nhiệm bảo vệ các thành viên trong gia đình của thẩm phán hoặc bất kỳ viên chức nào của Tòa án Tối cao.

Ấn Độ

Tại Ấn Độ, Tòa án Tối cao đưa ra quyết định rằng các tiểu bang sẽ chịu trách nhiệm về việc hỗ trợ an ninh cho thẩm phán cũng như trụ sở tòa án tại bang đó, theo trang The Times of India.

Theo đó, các thẩm phán sẽ được cơ quan tư pháp bảo vệ, chống lại những hành vi có thể gây tổn hại về thể chất và tinh thần trong quá trình thi hành công vụ. Điều này được quy định trong Mục II của Đạo luật Bảo vệ Thẩm phán, được thông qua năm 1985.

Đối với người đứng đầu Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ, họ sẽ được bảo vệ bởi chế độ Z (gồm 22 cảnh sát, 4 hoặc 5 đặc công và 1 xe hộ tống). Các chánh án có quyền đánh giá và quyết định nâng cấp mức độ an ninh của mình, đồng thời họ có thể nâng cấp mức độ bảo vệ lên chế độ Z+ (36 cảnh sát, 10 đặc công, 1 xe hộ tống và 1 phi công riêng) trong các trường hợp cần thiết.

Đối với người đứng đầu Chánh án Tòa án tại các tiểu bang, họ sẽ được hưởng quyền lợi gần như tương đương với Thủ trưởng bang, tức là họ sẽ được hưởng chế độ bảo vệ Y (gồm 11 cảnh sát, 1 hoặc 2 đặc công).

Philippines

Ngày 28-4, Tổng thống Philippines khi đó là ông Rodrigo Duterte đã thông qua đạo luật về Cảnh sát Tư pháp (Đạo luật Cộng hòa số 11691) về việc thành lập một Văn phòng Cảnh sát Tư pháp (OJM) chịu trách nhiệm chính về an ninh của các thành viên, quan chức và tài sản của Cơ quan Tư pháp, theo trang web của Tòa án Tối cao Philippines.

Đạo luật được thông qua trong bối cảnh số lượng các vụ tấn công nhằm vào các thẩm phán ở Philippines ngày càng tăng. Theo số liệu của Hiệp hội Thẩm phán Philippines (PJA), 5 thẩm phán đã bị sát hại kể từ năm 2017 đến tháng 4-2022 và tổng cộng 31 thẩm phán bị giết kể từ năm 1999.

OJM sẽ gồm một cảnh sát trưởng và 3 phó cảnh sát. Những người này sẽ phân chia đóng quân tại các đảo lớn của Philippines là Luzon, Visayas và Mindanao.

Theo Đạo luật này, OJM có nhiệm vụ điều tra và phân tích tội phạm và đánh giá các mối đe dọa đối với các thành viên tư pháp và tài sản của tòa án. Họ có quyền sở hữu vũ khí để đảm bảo an toàn và bảo vệ thích hợp cho các thẩm phán, quan chức tòa án và nhân viên.

OJM cũng có thể bắt giữ, khám xét và tịch thu phù hợp với Hiến pháp, luật pháp và quy tắc hiện hành. Họ có quyền truy cập hồ sơ công cộng dưới sự quản lý của chính phủ, có quyền yêu cầu hỗ trợ từ các cơ quan thực thi pháp luật và thành lập Học viện Cảnh sát Tư pháp.

Chánh án Tòa án Tối cao Philippines - ông Alexander Gesmundo ngày 28-4 hoan nghênh sự ra đời của Đạo luật RA 11691 trên trang web của Tòa án Tối cao Philippines. Ông cho biết rằng đạo luật không chỉ có ý nghĩa đối với Tòa án Tối cao mà còn cho toàn hệ thống Tư pháp Philippines cũng như đảm bảo cho việc thực thi công lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm