Lý do chậm giải tỏa bãi biển cho cộng đồng


UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định điều chỉnh việc thu hồi diện tích đất, mặt nước biển do Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa đang sử dụng tại dự án khu nghỉ mát Ana Mandara. Theo đó, công ty này được thuê 28.189 m2 đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bên đường Trần Phú, ven biển TP Nha Trang đến ngày 31-12-2021. 

Khu vực bãi biển của khu du lịch Ana Mandara sẽ được giải tỏa
để làm công viên phục vụ cộng đồng. Ảnh: TẤN LỘC

Các khách sạn bên bờ biển Quy Nhơn sẽ được giải tỏa do chắn tầm nhìn ra biển. Ảnh: TẤN LỘC

Khánh Hòa: Chờ dự án thay thế hoàn thành

 Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay sau khi thu hồi diện tích bãi biển trên, toàn bộ khu du lịch Ana Mandara sẽ được giải tỏa để làm công viên phục vụ cộng đồng. Chủ trương này đã có nhiều năm nhưng chưa thực hiện được do Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa chưa hoàn thành dự án mới là khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh tại bắc bán đảo Cam Ranh để di dời.

Theo Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, để giải tỏa khu du lịch Ana Mandara, năm 2014, UBND tỉnh cho chủ đầu tư khu du lịch này là Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa thuê hơn 29 ha đất để xây dựng dự án thay thế tại bắc bán đảo Cam Ranh. Đó là dự án Evason Ana Mandara Cam Ranh resort & spa, nay là khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh. 

Trong khi chờ giải tỏa khu du lịch Ana Mandara, năm 2014, UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa liên doanh với doanh nghiệp khác thành lập Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa. Đồng thời cho doanh nghiệp mới này làm chủ khu du lịch trên.

Tháng 6-2014, tỉnh có quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất, mặt nước biển đã cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa thuê làm khu du lịch Ana Mandara và giao lại toàn bộ diện tích này cho Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa tiếp tục quản lý đến hết ngày 31-12-2018. Đây cũng là thời hạn cuối phải hoàn thành dự án khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh tại bắc bán đảo Cam Ranh.

Tuy nhiên, dự án thay thế tại bắc bán đảo Cam Ranh liên tục chậm tiến độ. Giữa năm 2018, Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa lại cam kết sẽ đưa dự án Evason Ana Mandara Cam Ranh vào hoạt động trước ngày 30-6-2020. Do đó, việc thu hồi bãi biển Nha Trang cũng bị chậm theo.

Thời gian qua, dự án này lại tiếp tục chậm tiến độ với lý do là một trong các dự án bị Thanh tra Chính phủ thanh tra và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do đó, việc giải tỏa khu du lịch Ana Mandara để trả bãi biển Nha Trang lại cho cộng đồng tiếp tục bị trì hoãn đến nay. Theo Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đã cho phép điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 dự án khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh vào ngày 31-12-2021. 

Bình Định: Vướng quy định về đất đai

Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho hay tỉnh và Bộ Quốc phòng đang hoàn thiện thủ tục để giải tỏa khách sạn (KS) Bình Dương cao sáu tầng với 57 phòng thuộc Binh đoàn 15 bên bờ biển TP Quy Nhơn. Đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường, đồng thời giao 3.000 m2 đất ở đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Quy Nhơn để Bộ Quốc phòng xây dựng công trình mới thay cho KS Bình Dương. 

KS Bình Dương là một trong ba KS bên bờ biển Quy Nhơn đã được tỉnh Bình Định chính thức thông báo sẽ giải tỏa để làm công viên, hai KS còn lại là Hải Âu và Hoàng Yến. Những KS này tọa lạc trên các khu đất vàng giá trị rất cao bởi nằm ngay bên bờ biển, trung tâm trên con đường đẹp nhất TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, các KS này đang che chắn tầm nhìn ra biển nên tỉnh tiến hành giải tỏa để trả lại không gian cho cộng đồng. 

Năm 2019, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt bổ sung, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn, trong đó có nội dung các KS trên đến hết thời gian cho thuê đất phải di dời, trả lại mặt bằng để tỉnh xây dựng công viên, tạo cảnh quan biển phục vụ cộng đồng.

Theo UBND tỉnh Bình Định, việc giải tỏa hai KS Hải Âu, Hoàng Yến gặp vướng quy định pháp luật về đất đai. Trong đó, KS Hải Âu nằm trên khu đất rộng 1.400 m2 đã hết thời hạn thuê đất hồi năm 2019, còn KS Hoàng Yến nằm trên khu đất rộng 5.000 m2 đến năm 2052 mới hết hạn thuê đất. 

Tỉnh Bình Định đã quy hoạch quỹ đất tại vị trí mới, dự kiến cho chủ đầu tư hai KS trên thuê đất để di dời, xây dựng lại KS theo hình thức cấp quyết định chủ trương đầu tư và cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá.

Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai hiện hành, các văn bản hướng dẫn liên quan của trung ương, chưa có quy định cụ thể về việc Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất tại vị trí mới để xây dựng KS theo hình thức chỉ định để tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 92 Luật Đất đai 2013 quy định: Trường hợp Nhà nước giao, cho thuê đất có thời hạn nhưng không được gia hạn theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013 thì khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất. 

Thế nhưng thực tế hiện nay, các KS trên đã được đầu tư xây dựng với quy mô lớn (trên 10 tầng) nên căn cứ quy định nêu trên không được bồi thường, hỗ trợ tài sản gắn liền với đất (đối với KS hết thời hạn thuê đất). Điều đó dẫn đến các chủ KS sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc di dời để trả lại mặt bằng cho tỉnh và xây dựng KS tại vị trí mới. 

Do đó, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn các quy định về đất đai, việc cho thuê đất đối với doanh nghiệp để tỉnh tiến hành giải tỏa các KS trên.

Giải tỏa xong sẽ làm công viên phục vụ cộng đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khẳng định: “Ngay khi dự án khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh hoàn thành giai đoạn 1, tỉnh sẽ tiến hành thu hồi bãi biển, giải tỏa khu du lịch Ana Mandara để làm công viên phục vụ cộng đồng” .

Còn theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, sau khi Bộ Quốc phòng xây dựng xong công trình KS mới, tỉnh sẽ thu hồi diện tích đất ven biển, giải tỏa KS Bình Dương để làm công viên, tạo không gian phục vụ cộng đồng.

Ông Dũng chia sẻ: “Toàn bộ không gian ven biển của vịnh Quy Nhơn là để cho người dân được hưởng lợi, phục vụ cho cộng đồng. Việc giải tỏa, di dời các KS ven biển là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của tỉnh, phải thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai phải theo lộ trình phù hợp, đúng quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm