Sáng mai 26-6, TAND huyện Bình Chánh sẽ mở lại phiên toà sơ thẩm lần hai để xét xử vợ chồng Ngô Thị Thuý Phượng bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả sau khi án sơ thẩm lần một bị huỷ hơn ba năm trước.
Trước đó, phiên toà ngày 29-5 đã phải hoãn do hai bị cáo và luật sư cùng không đến tham gia phiên toà dù đã được triệu tập hợp lệ.
Vụ án lấn cấn ở chỗ, nếu xác định việc gắn nhãn nổi tiếng lên áo thun là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 171 BLHS cũ thì rất "khó xử". Bởi lẽ mức án cao nhất của tội này chỉ ba năm tù, trong khi hai bị cáo bị tạm giam đã bốn năm, hiện được tại ngoại.
Phiên toà ngày 29-5 đã phải hoãn do cùng vắng mặt luật sư bào chữa và hai bị cáo.
Trước đó, vợ chồng Phượng bị truy tố tội buôn bán hàng giả theo khoản 3 Điều 156 BLHS cũ vì có hành vi thuê công nhân may áo thun gắn nhãn hiệu Lacoste từ tháng 5-2012, vận chuyển số áo thun này đem bán... Đội Quản lý thị trường huyện Bình Chánh đã tạm giữ toàn bộ số hàng gồm 13.240 áo thun nữ, 2.010 áo thun nam gắn nhãn hiệu Lacoste.
Kết quả định giá xác định tổng giá trị số áo tang vật tương đương với hàng thật là gần 25,5 tỉ đồng.
Tháng 8-2014, TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm lần đầu đã phạt Phượng bảy năm tù, chồng Phượng năm năm tù về tội buôn bán hàng giả.
Tháng 3-2015, TAND TP.HCM hủy án sơ thẩm vì quá trình điều tra chưa xác định số lượng công nhân, máy móc, địa điểm sản xuất, nguồn gốc nguyên vật liệu, sản phẩm tiêu thụ như thế nào…
Về việc định giá, qua so sánh mẫu áo thun có gắn nhãn Lacoste do các bị cáo sản xuất với hàng thật của công ty không có mẫu hàng giống nhau nên phải xem lại việc lấy giá của hàng thật để xác định giá của hàng tang vật. Đồng thời việc tiêu hủy áo thun tang vật là không đúng vì vẫn có giá trị sử dụng...