Cụ thể, doanh thu thuần quý 3-2018 của MCH tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ vào việc “cao cấp hóa” các sản phẩm thực phẩm và tiếp tục đà tăng trưởng của đồ uống. MCH tiếp tục đà tăng trưởng với dự báo tăng trưởng doanh thu 30% và lợi nhuận gấp 3 lần trong năm 2018 so với năm 2017.
Trong đó, ngành gia vị tăng trưởng 36% trong quý 3-2018 so với cùng kỳ năm 2017, quan trọng hơn là sản phẩm cao cấp tăng trưởng trên 50%. Ngành hàng thực phẩm tiện lợi tăng 32% do các sản phẩm cao cấp tăng trên 60%, trong đó sản phẩm mì ly Omachi có doanh thu tăng gấp 3 lần.
Đối với lĩnh vực đồ uống, tăng trưởng 38% nhờ vào sản phẩm nước tăng lực Wake-Up 247 đạt tăng trưởng ấn tượng. Các điểm bán hàng trong lĩnh vực đồ uống đã tăng từ 75 ngàn điểm của năm 2017 lên 130 ngàn điểm vào quý 3-2018.
Ngành hàng cà phê tăng trưởng 17% so với cùng kỳ 2017, chủ yếu là nhờ Vinacafé tăng trưởng trở lại. Sản phẩm Vinacafé đã đạt tăng trưởng doanh thu quý 3-2018 là 25% so với cùng kỳ năm 2017. MCH sẽ đẩy mạnh hoạt động của phòng nghiên cứu & phát triển sản phẩm (R&D) để tiếp tục duy trì tăng trưởng và phát kiến đột phá phát triển sản phẩm mới.
Lĩnh vực thịt chế biến có kết quả kinh doanh thấp hơn kế hoạch năm do thiếu phát triển các sản phẩm mới và kỹ thuật hạn chế. Việc hợp tác với Jinju giúp cho MCH có thể tiếp cận được với kỹ thuật cao và khả năng phát triển các sản phẩm mới.
Chiến lược “cao cấp hóa” và mở rộng ngành hàng đồ uống, đã giúp cho Masan Consumer tăng trưởng gấp 2-3 lần.
Như vậy, lợi nhuận của MCH vẫn duy trì do MCH tiếp tục thực hiện chính sách quản lý hàng tồn kho thấp, tối ưu hóa chi phí bán hàng. Tỷ lệ chi phí SG&A trên doanh thu trong quý 3-2018 giảm 800 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ phần trăm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu trong quý 4-2018 có thể sẽ cao hơn so với tỷ lệ của 9 tháng năm 2018 do Ban Điều hành tăng cường đầu tư vào hoạt động marketing cho các sản phẩm mới sẽ tung ra trong quý 4-2018 và các hoạt động cho dịp Tết sắp tới.
Có thể thấy, MCH đã thực hiện thành công chiến lược “cao cấp hóa” các sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm và mở rộng lĩnh vực đồ uống. Do đó, tăng trưởng doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 tăng 32,6% so với năm 2017 và tăng 28,1% so với năm 2016.
Cụ thể, ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống đạt tăng trưởng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2018 hơn 25% so với cùng kỳ 2017. Các sản phẩm mới tung ra như Vivant – nước khoáng cao cấp; khoai tây nghiền Omachi; sản phẩm tái tung Compact – nước tăng lực truyền thống là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Tăng trưởng doanh thu còn đến từ sự tăng trưởng của những nhãn hiệu cốt lõi như Nam Ngư và Chin-su, với đóng góp đến 30% vào tăng trưởng sản lượng.
Đà tăng trưởng được duy trì trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi nhờ vào sự phục hồi của các nhãn hiệu cốt lõi và các phát kiến mới cho giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh. Sản phẩm mới mì ly Omachi với cây thịt - giải pháp cho bữa ăn hoàn chỉnh và khoai tây nghiền Omachi tiếp tục tăng trưởng cao hơn kỳ vọng.
Với những kết quả trên, cho thấy doanh thu và lợi nhuận trong năm 2018 của MCH được kỳ vọng sẽ tăng trưởng lần lượt là 25% và 50%. Theo kế hoạch dự báo doanh thu và lợi nhuận của Ban Điều hành thì MCH được kỳ vọng sẽ đạt EBITDA khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng 50% trong năm 2018 so với năm 2017. Masan Consumer được kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty từ 3.100 đến 3.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự báo có thể sẽ gặp những rủi ro như doanh thu thấp hơn của các sản phẩm mới và giá nguyên vật liệu đầu vào có thể tăng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.