Chỉ cần cung cấp thông tin mất ngày nào, ở đâu, đặc điểm nhận dạng của thú yêu…, người bị mất chó sẽ được các “cò” tìm giúp. Chi phí cho việc chuộc lại chó, mèo thấp nhất là 2-3 triệu đồng, cao thì cả chục triệu đồng.
Các địa bàn quận, huyện tại TP.HCM đều có đội ngũ các “cò” chó, có “cò” vừa dắt mối, vừa kinh doanh, mua bán chó, có “cò” chỉ nhận “tìm giúp”. Họ hoạt động theo một đường dây kín kẽ. Chó được phân loại thành chó thịt và chó cảnh. Chó thịt giá trị thấp ít được các “cò” quan tâm. Mục tiêu của các “cò” là những chú chó cảnh đắt tiền, được giữ lại chờ người chuộc. Nếu không có ai chuộc thì xuất bán ở địa bàn các tỉnh.
“Chó ra sao? Mặt mũi thằng trộm thế nào?”
Chị K.Ch. (ngụ đường số 7, ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị mất một con chó Chihuahua đực tên là Meo đã nuôi nhiều năm, được chăm chút cẩn thận nên khá mập. Sáng 17-3, chó bị mất, chị Ch. đã chạy khắp các ngõ ngách để tìm kiếm nhưng không thấy. Theo lời chỉ dẫn của nhiều người có kinh nghiệm, chị Ch. đến khu vực đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM) tìm chó.
“Đến đường Lê Hồng Phong người đầu tiên mình gặp một mực xin 100.000-200.000 đồng rồi mới nhận tìm giúp. Họ giả bộ lấy điện thoại ra gọi ai đó hỏi thăm. Mình nói khi nào tìm được thì mình gửi luôn vừa xăng xe vừa tiền nước mà họ không chịu. Đuổi đi. Người thứ hai mình gặp là cô L. cùng người tên là H. Câu đầu tiên họ hỏi là hình ảnh con chó ra sao, mặt mũi thằng trộm như thế nào và cũng yêu cầu đưa phí xăng xe… Điều này chứng tỏ họ có đường dây hết rồi” - chị Ch. cho biết.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm, chị Ch. dù mất khá nhiều thời gian và tiền chi phí xăng xe cho các “cò” nhưng Meo vẫn không được tìm thấy.
Trong vai một người đi tìm chó, chúng tôi liên lạc với một “cò” chó được cho là có uy số một tại khu vực cầu Kiệu (phường Tân Định, quận 1) qua số điện thoại 090…666. Một phụ nữ tên H. nghe điện thoại và yêu cầu gặp trực tiếp. Người này dặn dò kỹ: “Đến chân cầu Kiệu thì điện em, nhớ mang theo ảnh chó đã mất và tiền xăng xe để người ta đi tìm”.
Ông T., một “cò” chó (mặc áo trắng, ngoài cùng) tại cửa hàng của mình trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Bà H. được mệnh danh là “cò” chó số một tại cầu Kiệu khuyên nên trở về không cần đi tìm chó mà để “ông anh” của bà tìm cho. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Đường dây “cò” chó
Chúng tôi tìm đến nhà bà H. nằm sâu trong một con hẻm ở chân cầu Kiệu. Khi mới dừng xe ở đầu hẻm để hỏi đường thì một phụ nữ to béo xuất hiện, hỏi ngay: “Tìm chó phải không? Chị đây, vào đi!”.
Bà H. lôi ra cuốn sổ dày, chi chít chữ, số điện thoại, ngày tháng rồi đặt một loạt câu hỏi. Chó gì? Mất ngày nào? Màu lông? Bao nhiêu ký? Có thấy thằng ăn trộm không? Hình đâu?... Tất cả thông tin được ghi cẩn thận vào sổ. Người phụ nữ này yêu cầu: “Bây giờ đi tìm giùm nhưng phải đưa tiền cho người ta thì người ta mới đi tìm cho anh. Chuộc bao nhiêu là trong điện thoại người ta báo hết. Nếu có chó người ta sẽ ra giá” - người này nói.
Khi hỏi có chỗ nào có thể nhờ tìm được chó không thì bà H. nói: “Người ta có đường dây đi tìm, anh không vô được đâu, chỉ có ông anh của em quen biết mới moi ra được. Ở đây sẽ đi tìm hết mấy chỗ có khả năng chó được bán vô đó. Anh đừng đi lòng vòng mất công vì biết đường đâu mà tìm. Mà cho dù anh có thể dò ra tung tích chó cưng bị mất nhưng cũng sẽ không vào được vì là người lạ”.
Chuộc chó… bỏ tiền triệu
Bà H. chỉ là một trong số rất nhiều “cò” chó, những người này thường tập trung đông nhất ở đường Lê Hồng Phong (quận 10), đường Trường Chinh giao với đường Lê Trọng Tấn, khu vực Ngã năm chuồng chó, chợ Ông Tạ… Tất cả đều nhận tìm chó và yêu cầu chuộc lại.
Tôn Bích Trâm (20 tuổi, ở quận 5, TP.HCM) mất chó cưng vào ngày 25-3. Tìm đỏ mắt đến ngày 27 vẫn không thấy. Một người bạn khuyên ra đường Lê Hồng Phong (quận 10) để tìm nhờ “cò” tìm hộ. Ngày 26-3, Trâm chạy nhiều cửa hàng bán chó trên đường Lê Hồng Phong tìm kiếm, kể cả liên hệ với các “cò” chó tại đây nhưng không tìm thấy.
Ngày 28-3, khi chúng tôi cùng Trâm đến một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong tiếp tục hỏi dò nhờ tìm chó, một phụ nữ bán chó cho biết: Đến tìm ông T. một chủ tiệm bán chó cảnh ở phường 2, quận 10.
Cửa hàng của ông T. nằm ngay mặt đường, trong nhà rất nhiều lồng nhốt chó, mèo đủ loại từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Trên vỉa hè, khoảng 10 con chó được xích chung, nhiều con nằm mệt mỏi vì bị xích giữa nắng. Khi thấy người đến, chúng tất thảy đứng dậy vẫy đuôi mừng rỡ vì tưởng chủ. Còn ông T. đang ngã giá bán một chú chó gần 10 triệu đồng với một khách hàng.
Khi được hỏi muốn tìm chó, ông T. hỏi: “Hình đâu? Hồi nào?”. Khi Trâm trả lời vào ngày 25 thì ông T. chỉ ngay vào một con chó đang được xích chung với rất nhiều con chó khác đủ chủng loại trên đường. “Phải con này không?” - ông T. hỏi. Bích Trâm ồ lên: “Đúng rồi! Đúng chó của em rồi!”.
Thấy thái độ của Trâm, người đàn ông này nói: “Muốn mua lại thì đưa 3 triệu. Em kiếm được là hên rồi”. Tuy nhiên, Trâm không đủ tiền vì chó của cô là một món quà tặng. Một người bưng bê ở cửa hàng như cô không thể kham nổi số tiền chuộc trên.
Ông T. đưa ra chiếc điện thoại chụp ảnh khá nhiều chó nói: “Giờ anh đã gửi hình chó của em về tỉnh rồi đó, nếu em không mua thì chiều anh cũng xuất đi”.
Đúng như lời của ông T., đến chiều Trâm quay lại thì con chó cưng đã biến mất.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì những người trộm chó có giá trị từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng… có dấu hiệu phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009). Nếu những người này liên kết với nhau, tính toán, bàn bạc để trộm và tiêu thụ chó trộm được thì họ sẽ bị coi là phạm tội có tổ chức với mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Nếu người bán biết rõ chó mình bán là tài sản do người khác phạm tội mà có thì đây là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (theo Điều 250 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009). Khi người trộm đưa ra số tiền yêu cầu người mất chuộc lại, hoặc bán lại thì đây chính là giá trị thị trường của tài sản phạm tội. |