Mật ong cũng có thể bị hư hỏng nếu bảo quản không tốt

(PLO)- Mật ong có thể bị nhiễm khuẩn và hư hỏng trong quá trình thu gom mật hoặc bảo quản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều người cho rằng, mật ong có thể để mãi mà không hỏng, thậm chí càng để lâu càng tốt. Tuy nhiên theo các chuyên gia, bất kỳ vật dụng nào, đặc biệt liên quan đến sức khỏe đều cần có hạn sử dụng.

Tờ Healthline cho biết, mật ong đặc biệt là mật ong được thu hái tự nhiên, không qua quá trình sàng lọc khắt khe, không thể tránh khỏi các tác nhân bụi bẩn. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất mật ong không đảm bảm, pha trộn mật ong cũng khiến vòng đời sản phẩm bị rút ngắn.

Mật ong vẫn có hạn sử dụng và vẫn bị hư hỏng nếu bảo quản không đúng cách. ẢNH: HẠ QUYÊN

Mật ong vẫn có hạn sử dụng và vẫn bị hư hỏng nếu bảo quản không đúng cách. ẢNH: HẠ QUYÊN

Mật ong có thể bị ô nhiễm

Các vi sinh vật hiện diện tự nhiên trong mật ong bao gồm vi khuẩn, nấm men và nấm mốc, chúng có thể đến từ phấn hoa, đường tiêu hóa của ong, bụi, không khí, bụi bẩn…

Do đặc tính kháng khuẩn của mật ong, những sinh vật này thường chỉ được tìm thấy với số lượng rất nhỏ và không có khả năng sinh sôi. Tuy nhiên, bào tử của độc tố thần kinh C. botulinum được tìm thấy trong 5-15% mẫu mật ong với số lượng rất nhỏ. Điều này nói chung là vô hại đối với người lớn, nhưng trong một số trường hợp, chất này có thể dẫn tới ngộ độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tê liệt và suy hô hấp. Đây cũng là lí do các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.

Ngoài ra, một số lượng lớn vi sinh vật trong mật ong có thể chỉ ra sự ô nhiễm thứ cấp trong quá trình chế biến từ con người, thiết bị, vật chứa, gió, bụi, côn trùng, động vật và nước.

Có thể chứa các hợp chất độc hại

Trong quá trình kiếm mật, độc tố thực vật có thể được chuyển vào mật ong. Đơn cử như trong mật hoa của cây Rhododendron ponticum và cây Azalea pontica (thuộc họ hoa đỗ quyên) có chứa độc tốgrayanotoxins. Mật ong sản xuất từ những loại cây này có thể gây chóng mặt, buồn nôn và các vấn đề về nhịp tim hoặc huyết áp.

Ngoài ra, trong mật ong còn chứa chất được gọi là hydroxymethylfurfural (HMF) được tạo ra trong quá trình chế biến và lão hóa. Một số nghiên cứu phát hiện ra tác động tiêu cực của chất này tới sức khỏe như tổn thương tế bào và DNA. Vậy nên các chuyên gia khuyến cáo rằng mật ong thành phẩm không được phép chứa quá 40 mg HMF trong mỗi kg.

Đặc biệt, chất HMF này khi bảo quản mật ong rừng ở nhiệt độ càng cao thì sinh ra càng nhiều. Mật ong mới thu hoạch HMF là 1-5mg/kg, sau 100 - 200 ngày bảo quản ở nhiệt độ 30-35 độ C thì HMF tăng thêm 200-300mg/kg

Có thể bị làm giả

Mật ong là loại thực phẩm đắt tiền, tốn nhiều thời gian để sản xuất, vậy nên loại thực phẩm này rất dễ bị làm giả, làm nhái.

Theo đó, để giảm giá thành sản xuất, trong quá trình nuôi dưỡng, ong có thể được cho ăn bằng xiro đường từ ngô, mía hoặc xiro đường có thể thêm trực tiếp vào trong mật ong thành phẩm. Ngoài ra, để tăng tốc độ chế biến, mật ong có thể được thu hoạch trước hạn từ đó dẫn đến hàm lượng nước cao hơn và không an toàn. Thông thường, ong dự trữ mật trong tổ và khử nước để mật ong chứa ít hơn 18% nước. Khi bị thu hoạch sớm, hàm lượng nước có thể lên tới trên 25% và điều này có thể dẫn tới nguy cơ lên men, giảm mùi vị.

Bảo quản không đúng cách

Nếu không được bảo quản đúng cách mật ong có thể bị mất một số đặc tính kháng khuẩn, thậm chí bị nhiễm khuẩn và bắt đầu biến chất. Khi bị mở hoặc đậy kín không đúng cách, hàm lượng nước sẽ bắt đầu tăng lên đến trên mức an toàn là 18%, từ đó nguy cơ lên men sẽ tăng lên.

Cũng theo Healthline, các lọ, hộp chứa mật ong bị hở sẽ dễ khiến chúng bị nhiễm vi khuẩn từ môi trường xung quanh. Những vi khuẩn này có thể sinh sôi nảy nở nếu hàm lượng nước trong mật ong trở nên quá cao.

Ngoài ra, đun nóng mật ong ở nhiệt độ cao cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực tới chất lượng sản phẩm do làm tăng tốc độ phân hủy màu sắc và hương vị cũng như làm tăng hàm lượng chất HMF có trong mật ong.

Có thể vón cục và giảm hương vị theo thời gian

Ngay cả khi được bảo quản đúng cách thì mật ong vẫn có thể vón cục. Bởi trong mật ong chứa nhiều đường hơn mức có thể hòa tan được và quá trình kết tinh thành cục này có thể gây ra một số thay đổi.

Mật ong vón cục sẽ có màu trắng hơn và có màu nhạt hơn, đục hơn. Mặc dù lúc này bạn vẫn có thể sử dụng mật ong tuy nhiên nước được giải phóng trong quá trình kết tinh vẫn có thể làm tăng nguy cơ lên men. Bên cạnh đó, mật ong bảo quản lâu ngày có thể bị sậm về màu đen, dần mất đi mùi vị thơm ngọt đặc trưng, thậm chí có vị đắng hoặc cay.

Khi mật đã lên men, thấy trên bề mặt có bọt trắng, ngửi có mùi cay của rượu thì không nên dùng nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm