Ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn linh trưởng nói chung, khỉ nói riêng là loài đặc biệt và việc chăm sóc có thể nói là kỳ công.
Theo chị Trần Thị Mỹ Hạnh, Bác sĩ thú y, Tổ trưởng Tổ linh trưởng thì tại đây chăm sóc cho nhiều loài linh trưởng quý hiếm, nguy cấp; trong đó có không ít là những linh trưởng “ngoại quốc” như dã nhân, khỉ râu trắng, khỉ sóc, đười ươi… “Tất cả các cá thể linh trưởng đều có đặc điểm chung là cực kỳ thông minh. Bên cạnh những loài hiền lành, dễ nuôi thì một số loài còn khó tính trong việc sinh hoạt, ăn uống” – chị Hạnh nói.
Theo những cán bộ, nhân viên Tổ linh trưởng, nuôi linh trưởng nói chung, khỉ nói riêng quan trọng là hiểu được đặc tính từng con và dùng tình cảm đối đãi.
Nói thì qua quýt vài giờ, nhưng thực sự công việc chăm sóc linh trưởng chẳng khác gì chăm con mọn. Hàng tháng, hằng năm, từ việc chăm bữa ăn giấc ngủ cho đến theo dõi sức khỏe, thuốc men khi đau ốm … cho linh trưởng cũng lắm gian truân.
“Mỗi loài linh trưởng đều có một chế độ ăn uống, nghỉ ngủ khác nhau, biểu hiện mỗi khi bệnh tật khác nhau nên tùy trường hợp và cá thể sẽ có cách chăm sóc riêng” anh Trần Ngọc Toàn, công nhân nuôi thú cho biết.
Một loài khỉ có kích thước nhỏ thuộc hàng đầu thế giới thu hút sự quan tâm của du khách.
Riêng chuyện ăn uống của từng loài cũng lắm kỳ công, linh trưởng ăn phàm thì rất phàm, nhưng cũng "chảnh" khi gặp lá cây già, hoặc khó ở mỗi khi trái gió trở trời.
Để chuẩn đoán bệnh tật cho linh trưởng, ngoài việc quan sát ăn uống, vui chơi thì một điều quan trọng là biết xem… phân. Nếu phân có biểu hiện lạ theo con mắt nhà nghề là y như rằng có chuyện” – chị Hạnh nói vui.
Một loài khỉ "ngoại quốc" cũng được nuôi dưỡng sinh sống khỏe mạnh tại Thảo Cầm Viên
Việc cân đối thức ăn cũng được chu toàn, ngoài lá cây hoa quả thì một số loài còn cần bổ sung thêm các loại côn trùng trong khẩu phần. Lá cây phải non là ưu tiên hàng đầu, riêng những loại lá không trồng được thì gặp khó, nhưng những loại lá trồng được thì mọi người luôn cố gắng trồng và tìm kiếm giống để làm thức ăn cho khỉ.
Lá đa phần từ Củ Chi đưa lên; riêng các loại côn trùng thì có thể đặt mua để bổ sung, bên cạnh đó là những loại hoa quả theo mùa.
Khu vực nuôi nhốt linh trưởng thu hút đông du khách trong cả dịp Tết.
Anh Trần Ngọc Toàn, công nhân nuôi thú đã có 14 năm làm việc ở Tổ linh trưởng vẫn nhớ như in hình ảnh lúc xưa mình dẫn một chú đười ươi con đi chụp ảnh xung quanh Thảo Cầm Viên.
Ngày đó chú đười ươi còn nhỏ rất dễ thương và du khách cũng rất thích, hình ảnh một cao một thấp đi dạo lưu lại trong lòng du khách như một người con nuôi đi dạo cùng người bố.
Tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng xây những tiểu đảo, tạo môi trường gần gũi với tự nhiên cho loài khỉ, vốn không thích gò bó.
Hiện Thảo Cầm Viên có xây dựng hai đảo để tạo sinh cảnh tự nhiên cho bốn cá thể vượn má vàng. Những người trong Tổ linh trưởng lại trở thành những bà mụ mối lái xe tơ hồng. “Vượn má vàng là loài rất tôn trọng lối sống một vợ một chồng. Trước có cặp vợ chồng vượn sống ở đây, nhưng sau đó “vợ” (tức vượn cái – PV) chết “chồng vượn” bỏ ăn mấy ngày. Sau, Tổ linh trưởng mới bố trí thêm một cá thể vượn khác vào sống chung để sinh sản, phải trải qua thời gian rất lâu mới thành đôi thành cặp như bây giờ” – chị Hạnh nhớ lại.
Và câu chuyện chú vọc chà vá mồ côi
Ở Thảo cầm viên, chị Hạnh đang là “mẹ nuôi” chính thức của một cá thể vọc chà vá chân nâu, loài thú linh trưởng được mệnh danh là nữ hoàng của các loài linh trưởng bởi vẻ đẹp từ 5 màu lông, đôi mắt trong veo hiền lành tựa trẻ thơ và hành động nhút nhát còn hơn cả thiếu nữ. Tiếng hót của vọc vừa biểu trưng cho trinh tiết của rừng, vừa là linh hồn của rừng thiêng.
Cá thể vọc chà vá chân nâu mồ côi được các cán bộ công nhân viên tại Thảo Cầm Viên xem như con.
Vậy mà bậc nữ hoàng của các loài linh trưởng được cả thế giới vinh danh ấy lại mồ côi mẹ khi được vài tháng tuổi. Và - lý do mà người ta nghĩ đến đầu tiên vẫn là do săn bắn trái phép được gây ra bởi đám lục lâm thảo khấu chốn rừng xanh. “Lúc mới được cứu hộ từ Đà Nẵng về nó được vài tháng nên rất yếu ớt, sợ người, nhưng cuối cùng chính từ bàn tay chăm sóc, tình cảm ấm áp của những người mẹ nuôi ở Tổ đã khiến cho nó quấn người” – chị Hạnh nói.
Hàng ngày, để chăm sóc sức khỏe cho chú vọc mồ côi, các công nhân viên Tổ linh trưởng túc trực 24/24.
Nhớ, khoảng thời gian 5 người trong tổ linh trưởng dành để chăm sóc chú vọc mồ côi là cả một thời gian dài với lịch chăm sóc còn hơn chăm trẻ, 5 tiếng cho bú một lần và anh chị em trong tổ thay phiên nhau túc trực 24/24.
Theo chị Hạnh, Tổ trưởng Tổ linh trưởng, chú vọc tội nghiệp rất cần hơi ấm, tình thương của mẹ.
“Đặc tính của vọc là không ăn được đường, sau vài tháng thì cho ăn dặm thêm lá cây và bổ sung thêm các loại vi chất trong sữa, vì chúng cũng gần giống như con người mình nên có biểu hiện bệnh tật cũng thuốc men, chăm sóc chẳng khác gì người” anh Phạm Thanh Phong tổ Linh trưởng nói.
Chú vọc rất quấn quýt người và không rời nửa bước.
Sáng, lúc anh Phong đi tới, chú vọc một tuổi mừng cuống quýt, ôm ríu rịu lấy “bố nuôi” Phong không chịu rời, sau khi cho bú sữa, thay lá non cho chú vọc, anh Phong nán lại xoa bụng, chăm sóc và thăm khám sức khỏe.
Hằng ngày, một số loại vi chất dinh dưỡng được sử dụng để bổ sung vitamin cho chú vọc con.
“Vọc chà vá là loại sống theo gia đình, gồm bố mẹ và các con một cách tình cảm. Vọc con mồ côi nên rất cần sự ấp áp của người mẹ nhưng mẹ nó mất rồi, giờ nó coi mấy anh em trong tổ như mẹ nó vậy” – chị Hạnh nói.
Chú vọc thoải mái thư giãn sau khi bú no và được nhân viên trung tâm massage bụng cho nhanh tiêu.
Ở cái thời mà những bộ bàn ghế gỗ rừng quý hiếm hàng trăm năm hay những bữa tiệc với “thịt rừng” là món “thời trân” được các bậc cự phú săn lùng thì rừng ngày càng chảy máu, thú quý hiếm càng mất đi. Chim thú thấy người thì hãi hùng, nhưng ở Thảo Cầm Viên hoang thú lại thành bạn, tình cảm của thú với người chăm sóc chẳng khác gì tình cảm của con người.
“Mình tình cảm với thú thì nó sẽ tình cảm với mình, với linh trưởng lại càng phải vậy vì đây là loài thông minh và tình cảm” anh Phong tâm sự.