Năm 2018 là năm đồng bằng sông Cửu Long có một mùa nước nổi “đầy đặn” nhất kể từ năm 2012. Nước về đầy hai túi nước Đồng Tháp và khu tứ giác Long Xuyên. Năm 2017, chúng tôi từ Cao Lãnh - cận túi nước Đồng Tháp, hai ba giờ sáng phải thuê xe đi qua tận Tịnh Biên để sống cái cảm giác nước nổi ở một bến cá, từ ba giờ sáng thuyền ghe về, tiếng người ơi ới, ánh đèn pin đội đầu quét ngang dọc, vui cả một khoảng sông đầu ngày. Nước nổi chỉ vừa tràn ở vùng biên giới, gọi là nổi gượng.
Miền Tây hễ có mùa nước nổi ắt có mùa nước giựt. Cả hai mùa đều là mùa cá hội.
Trước khi nước về nhiều, nước bắt đầu đỏ kẹo màu phù sa, mùa mà “lão ngư tri thủy” Ba Cát (Trần Văn Cát), 64 tuổi, nhìn là biết cá bống trứng bắt đầu về theo nước. Gọi là bống trứng nhưng nhiều năm nay, giống như người miền Tây, cá cũng hiếm muộn dàn trời. Tại các chợ miền Tây, người bán chịu khó lựa cá trứng và cá không trứng bán giá chênh lệch khá cao. Ông Ba Cát nói: Mọi khi tháng đầu cá về chưa có trứng nhiều, tháng sau sẽ có cá trứng nhiều. Nhưng “mọi khi” của ông Ba đã hết linh. Mẹ sông có vẻ bắt đầu hiếm muộn, do Mẹ cho con người nhiều mà con người chích điện Mẹ không thôi chăng?
Nước giựt năm 2018, cá heo về đến Sài Gòn tưởng chừng như một phép lạ, một ảo ảnh nhìn thấy nước giữa sa mạc. Năm ngoái, xem bến cá ở Tịnh Biên xong, chúng tôi về Châu Đốc ghé nhà lão ngư Ba Tô. Nhờ hẹn trước ông mới để dành đãi khách mớ cá heo, còn gọi là cá nanh heo vì có cái râu dài cong như cái nanh heo rừng ở miệng, thoạt trông thật “nam tính” nhưng chúng lại có cái đuôi màu đỏ rất “nữ tính”, rốt cùng chẳng biết tính gì. Ông Ba Tô nói: “Cá này giờ mắc lắm. Nhưng có cá đâu mà bán. Tui thả đú bắt được mớ nào để dành nhậu với bạn bè mớ đó”. Nên cá về Sài Gòn khiến “hoa lá hồ nghi sự lạ đời”.
Một điểm bán cá sông ở chợ cạn Cái Răng.
Cá heo (đuôi đỏ) giữa tháng 11 vừa rồi đã về đến một số chợ Sài Gòn.
Mùa nước giựt, những con cá linh còn nhớ cội nguồn, bỏ ruộng đồng ra sông rạch đã bắt đầu vào “hội lão niên ngư”. Chúng cũng nhiều không thua cá linh đầu mùa nước nổi nhưng người dân không ăn chúng nữa mà chỉ làm mắm, vì xương cứng, ăn luôn con cá không ngon. Mắm cá linh cũng ủ chượp như mắm cá biển nhưng nhanh ăn hơn vì thịt và xương mềm. Nhưng cách nhau một con sông Hậu mà bên này làm mắm không nấu chín khi mắm ăn được - mắm sống, bên kia vẫn quen nấu - mắm chín.
Lúc nước giựt cũng là lúc người dân rửa đồng chuẩn bị làm vụ đông xuân. Đây cũng là mùa cá chốt từ trong đồng bị cay mắt theo nước trôi ra sông, rạch ở Long Mỹ. Một nông dân giới thiệu chúng tôi với lò mắm bà Bảy Đệ ở xã Long Trị, Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nói: “Mấy năm trước đặt lợp là bắt cá chốt mấy chục ký một đêm. Bây giờ ít xịu hà!”.
Nhưng không chỉ mùa nước. Mẹ Cửu Long còn cho một loài đặc sản trứ danh mà dân Sài Gòn toàn ăn phải của giả: cá bông lau. Khi mùa nắng tháng Tư về cũng là mùa cá bông lau nhóc sông Vàm Nao. Thực ra cá bông lau về sông Vàm Nao từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch. Đây là con sông cân bằng nước giữa sông Tiền và sông Hậu, mùa nắng nước sâu và trong, cá thích tụ ở con sông này. Nguyễn Thanh Tùng, Trung tâm Du lịch nông dân An Giang, khẳng định: “Chợ An Châu là chợ đầu mối của cá bông lau”. Chợ này nằm cách cầu Chắc Cà Đao, Long Xuyên vài trăm mét về phía Châu Đốc. Để viết cuốn Gia Định thành thông chí, ông Trịnh Hoài Đức phải dịch tên con cá sang tiếng Hán là lô hoa ngư. Cá bông lau bây giờ không còn nhiều nữa vì đập xây bít đường chúng về sinh sản ở nguồn. Từ Long Xuyên xuống đến Sài Gòn vào nhà hàng cầu phải cả triệu một ký. Nhiều người Sài Gòn hệ “ngon-bổ-rẻ” chỉ có ăn cá tra quá lứa hóa thành lô hoa ngư mà thôi.
Một loại cá khác gần như đã trở nên “quý ngư”. Muốn ăn phải đặt trước mấy ngày mới có cá cỡ 2-3 kg, không còn cá 7-8 kg nữa. Cũng có họ hàng với cá chép nên cá cóc chỉ có cái đầu là ngon nhất. Hôm tháng 12-2017, tôi xuống Cần Thơ, được ông chủ quán Ven Sông đãi bữa cá cóc 2,8 kg. Cá được dặn mối từ chiều hôm trước. Cái đầu cá cóc ngon nhưng đôi môi còn ngon hơn một phần nữa. Mấy năm nay, cá cóc - một thời mấy quán cơm Vĩnh Long, Mỹ Tho lúc nào cũng có, không thường có nữa.
Cũng nhiều xương như cá cóc nhưng mè vinh, một đặc sản khác của Mẹ sông Mekong, vẫn còn đủ để những lão ngư trải nỗi đam mê của mình. Mè vinh lóng rày chỉ cần bẫy bằng những nhánh lúa hột màu vàng thật đẹp. Đệ tử lão ngư Ba Cát là Út Bình (La Văn Bình) ở Mỹ Khánh, Phong Điền, một tay sát cá mè vinh trên sông Trường Tiền, một xứ sở mang âm hưởng của Phong Điền xứ Huế, xứ của những di dân cận Quảng Bình cách đây mấy trăm năm. Út Bình chuyên bẹo mồi bông lúa bên dưới chùm lục bình buổi chiều tối để sáng sớm dùng vợt miệng lớn đi hớt mè vinh. Dân miền Tây có vẻ sùng bái con cá này. Ông Lộc, chủ vườn sinh thái Lê Lộc ở Cái Răng, Cần Thơ bình: “Mè vinh nấu chín xong, đem vợt chà thịt lọc xương nấu cháo ăn ngọt phải biết”. Đúng là những con cá khá xương nhiều đường lắt léo.
Mẹ Cửu Long cho dân miền Tây nhiều sản vật lắm, kể hoài không hết đâu…