Năm 1969, hai hộ bà P. và bà B. cùng mua chung một thửa đất có bằng khoán, trong bản vẽ đất tại hồ sơ thể hiện có lối đi chung. Năm 1994, bà B. nộp hồ sơ xin được công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và được cấp, trong đó ghi có cả phần lối đi chung trên. Năm 2003, bà P. cũng làm thủ tục xin được công nhận QSDĐ nhưng bà B. không đồng ý ký tên xác nhận giữa hai nhà có lối đi chung. Vì thế năm 2006, bà P. khởi kiện yêu cầu tòa công nhận phần đất trên là lối đi chung giữa hai gia đình, bà B. là bị đơn.
Thẩm phán đại diện cho mẹ
Sau đó cả bà P. và bà B. đều mất. Năm 2011, con gái bà P. là chị T. đang là thẩm phán của TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) đã đại diện cho nguyên đơn với tư cách là người được ủy quyền. Dù bà P. có tám người con thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng nhưng chỉ có chị T. làm đại diện cho mẹ mình.
Ban đầu bà P. khởi kiện ra TAND quận Gò Vấp và tòa này đã quyết định chấp nhận tư cách đại diện theo ủy quyền cho nguyên đơn của chị T. Tuy nhiên, đến ngày 29-11-2006, TAND quận Gò Vấp đã ký quyết định chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TP.HCM để tiếp tục giải quyết. Lý do chuyển hồ sơ vụ án là do thẩm phán được phân công giải quyết vụ án này đã có đơn từ chối tiến hành tố tụng.
Trong đơn, vị thẩm phán này nêu trong quá trình giải quyết vụ án ông đã nỗ lực hòa giải nhưng do vụ án có tính chất phức tạp nên tòa phải gửi công văn yêu cầu xác minh chứng cứ. Tuy nhiên, phía nguyên đơn có gặp và lớn tiếng nói là thẩm phán có “vấn đề” với bị đơn nên thẩm phán này từ chối giải quyết tiếp.
Năm 2011, sau khi chuyển hồ sơ lên TAND TP.HCM chị T. vẫn tham gia phiên tòa sơ thẩm với tư cách là người đại diện cho nguyên đơn. Tại phiên xử này, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu của phía nguyên đơn, công nhận lối đi chung giữa hai nhà. Sau đó phía bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, trong đó có yêu cầu tòa xem xét lại tư cách tham gia phiên tòa của chị T.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bảo vệ cho bị đơn cho rằng chị T. đang là thẩm phán mà tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là không đúng. Cuối cùng HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm với nhận định tòa sơ thẩm chưa xem xét giải quyết toàn diện vụ án và tư cách đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn theo Điều 75 BLTTDS 2011 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012).
Phần lối đi chung giữa hai nhà đang có tranh chấp. Ảnh: M.VƯƠNG
Có vi phạm thủ tục tố tụng?
Vấn đề pháp lý quan tâm trong vụ này là việc thẩm phán T. làm ủy quyền cho mẹ với tư cách là nguyên đơn thì có vi phạm tố tụng dân sự không.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc thẩm phán T. tham gia phiên tòa với tư cách là đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thì không vi phạm. Vì Điều 138 BLDS 2015 (về đại diện theo ủy quyền) quy định cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền (trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên).
Do đó, việc thẩm phán T. tham gia đại diện không vi phạm tố tụng dân sự. Tuy nhiên, luật sư Tuấn cho rằng dù luật không cấm nhưng thẩm phán T. cũng không nên tham gia phiên tòa để vụ án được giải quyết khách quan.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Văn Tiến (Phó Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), việc ủy quyền này có thể coi là vi phạm tố tụng. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 87 BLTTDS 2015 thì cán bộ, công chức trong cơ quan tòa án được tham gia tố tụng với tư cách đại diện cho cơ quan hoặc tham gia tố tụng với tư cách là đại diện theo pháp luật đối với trường hợp luật định họ phải tham gia. Nhưng nếu thẩm phán đại diện cho cha mẹ ruột thì họ không được phép tham gia với tư cách là người được ủy quyền. Trường hợp này chị T. chỉ được đại diện cho cha mẹ khi chị là người đại diện duy nhất, không còn ai khác.
Ông Võ Văn Thêm (cựu phó viện trưởng VKSND Cấp cao TP.HCM) thì nói: “Hiện pháp luật chưa quy định rõ ràng rằng thẩm phán có được đại diện theo ủy quyền cho một bên đương sự trong vụ án dân sự hay không nhưng tôi nghĩ tòa án không nên chấp nhận. Bởi điều này làm mất đi tính minh bạch của vụ án, thiếu sự khách quan, vô tư trong quá trình giải quyết vụ án”.
Theo ông Thêm, vì thẩm phán đang công tác nên sẽ có mối quan hệ trong ngành tòa án, ít nhiều từ vị trí công tác sẽ có tác động đến kết quả vụ án. Việc họ làm đại diện theo ủy quyền cho người thân của mình thì không nên.
Thẩm phán T. đã ủy quyền lại cho người khác Mới đây TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm lại vụ kiện nhưng đã tuyên bố hoãn xử vì vắng mặt đương sự. Cũng tại phiên tòa này chị T. không tham gia với tư cách là đại diện cho nguyên đơn nữa mà đã ủy quyền lại cho người khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn biến mới. |