Chiều 11-11, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết lũ trên các sông phía bắc tỉnh này đang rút. Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn căn nhà tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân bị ngập nước.
Hàng ngàn căn nhà đang ngập trong nước
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tỉnh này có gần 12.000 căn nhà bị ngập 0,5-2 m. Hiện có 62 căn nhà bị sập, hư hỏng, một người mất tích, hai người bị thương…
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho hay các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Sơn Bắc… vẫn còn ngập sâu 1-2 m. Nhiều người chưa thể trở về vì nhà đang còn ngập nước, riêng xã Xuân Sơn Bắc vẫn đang bị cô lập.
Người dân cùng lực lượng công an dọn dẹp đường phố tại thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân sau khi lũ rút. Ảnh: TRỌNG KHÔI
Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Đồng Xuân có hơn 5.000 căn nhà bị ngập sâu trong nước. Trong đó, nhiều căn nhà đã bị sập hoàn toàn. Tại các vùng lũ rút, người dân đã trở về nhà. Chính quyền địa phương cùng UBND tỉnh đã huy động nhiều lực lượng cùng máy móc trợ giúp người dân khắc phục hậu quả sau lũ.
Tại thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân cũng bị ngập sâu đến hơn 3 m, hầu hết các đường phố, căn nhà đều ngập ngụa bùn đất sau khi lũ rút. Nhiều đồ đạc, tài sản của dân bị lũ cuốn trôi, hư hỏng; nhiều máy móc của cơ sở sản xuất cũng bị hư hỏng nặng do không kịp di dời.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho hay đến chiều 11-11 địa phương này vẫn còn hàng ngàn căn nhà bị ngập nước, nhiều xã vẫn còn bị cô lập, chia cắt. Cũng theo ông Thành, đợt lũ này rất lớn, thấp hơn đợt lũ lịch sử năm 2009 chỉ 0,5 m.
Theo chủ tịch UBND huyện Tuy An, hiện chưa thể thống kê thiệt hại do nước chưa rút hết. Tuy nhiên, ghi nhận ban đầu là đợt lũ này đã gây ra thiệt hại rất lớn về tài sản đối với huyện Tuy An. “Huyện đã trích ngân sách mua mì ăn liền, nước uống cứu trợ khẩn cấp 575 hộ gia đình đang bị lũ cô lập tại thôn Phú Lương, xã An Cư” - ông Thành thông tin.
Cảnh báo ngập lụt để dân kịp thời ứng phó
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvào chiều 11-11, ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay UBND tỉnh đã yêu cầu UBND TP Tuy Hòa, các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa phát đi cảnh báo ngập lụt để người dân biết, có biện pháp ứng phó kịp thời. UBND tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng sơ tán khẩn cấp người dân sống ở các vùng trũng thấp, ven sông Ba.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra xả lũ tại Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ sáng 11-11. Ảnh: AN BANG
Theo ông Trần Hữu Thế, hiện hồ thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ xuống hạ du Phú Yên với lưu lượng 4.500 m3/giây - lưu lượng xả lũ cao nhất của hồ thủy điện này trong mùa mưa lũ năm nay.
Ông Thế cũng cho biết khi trực tiếp đi kiểm tra thực tế xả lũ tại Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ vào sáng 11-11, ông nhận thấy lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ xuống hồ thủy điện này còn tăng. Do đó dự báo lũ ở vùng hạ du sẽ tăng hơn 1 m từ tối 11-11. Các địa phương đang nỗ lực sơ tán dân đi tránh lũ trước tối 11-11.
Theo ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, hiện nước từ thượng nguồn đổ xuống hồ thủy điện Sông Ba Hạ với lưu lượng 5.800 m3/giây và dự báo còn tăng. Ông Lý đã đề nghị tăng lưu lượng xả lũ xuống hạ du Phú Yên lên 4.900-5.900 m3/giây trong 12 tiếng đồng hồ tới. Ngoài ra, hồ thủy điện Sông Hinh cũng đã xả lũ với lưu lượng 254 m3/giây.
Ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho hay hiện địa phương này đang sơ tán hàng trăm hộ gia đình sống ở các vùng ven sông Ba. Nguyên nhân là do khi thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ lớn, nhiều khu vực ở huyện Phú Hòa sẽ bị ngập sâu, nhất là các vùng ven sông, rất nguy hiểm.
Quảng Nam: Một người mất tích, ba người bị thương do sạt lở Chiều 11-11, ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), xác nhận một vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn khiến một người mất tích. Theo thông tin ban đầu, vụ sạt lở xảy ra tại thôn 3, xã Trà Tân (đoạn gần thủy điện Sông Tranh) vào chiều cùng ngày. Cùng thời điểm, một người đi xe máy ngang qua vị trí sạt lở bị vùi lấp và mất tích. Ngoài ra, vụ sạt lở còn làm ba người khác bị thương và khiến một số xe máy bị vùi lấp. Còn tại Quảng Ngãi, cơ quan chức năng đang xác minh thông tin vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn, nghi ngờ có người bị vùi lấp vào tối 10-11, trên tuyến đường Trường Sơn Đông (đoạn qua thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây). THANH NHẬT .......................................................... 8 người thương vong, mất tích do bão số 12. Bão làm sáu ngôi nhà bị sập, hơn 300 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, tập trung ở Khánh Hòa; 73 cột điện ở Phú Yên bị gãy đổ; một tàu cá bị chìm khi neo đậu ở Khánh Hòa; hơn 2.500 con gia cầm bị chết, hơn 2.000 ha lúa, hoa màu và cây hằng năm bị ngập, hư hỏng… |
Bình Định cấm biển để ứng phó bão Vamco
Chiều cùng ngày, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho hay lũ trên các sông ở tỉnh này đang xuống. Tuy nhiên, nhiều khu vực ven sông vẫn còn bị ngập lụt.
Theo ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, từ tối 10 đến sáng 11-11, lũ trên sông Hà Thanh dâng cao, gây ngập lụt một số khu vực thuộc các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Trần Quang Diệu… Nhiều gia đình đã được sơ tán lên các khu vực cao để tránh lũ. Lũ cũng gây ngập nhiều tuyến giao thông, gây chia cắt.
UBND huyện Tuy Phước cho hay lũ cũng dâng ngập nhiều khu dân cư ven sông Hà Thanh đoạn chảy qua địa phương. Chính quyền đã huy động các lực lượng cứu hộ đưa người dân lên vùng cao tránh lũ, đồng thời hỗ trợ người dân thu dọn tài sản để hạn chế thiệt hại.
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cũng đã ban hành lệnh cấm biển cho đến khi có thông báo cuối cùng về cơn bão Vamco.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp không khí lạnh tăng cường, trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh có mưa to đến rất to.
Do mưa lũ, lưu lượng nước về các hồ thủy điện của tỉnh ở mức cao nên các thủy điện đang xả tràn về sông Vu Gia, sông Thu Bồn với lưu lượng tương đối lớn. Tối cùng ngày, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam đã phát tin lũ khẩn cấp trên các sông này.Còn tại Thừa Thiên-Huế, khoảng 16 giờ ngày 11-11, trên sông Hương nước lũ bất ngờ dâng cao khiến nhiều tuyến đường tại TP Huế ngập sâu.
Tại sông An Cựu - một nhánh của sông Hương, vào khoảng 16 giờ chiều nước bất ngờ lên cao lên quá mặt đường và có dấu hiệu lên chậm sau đó.
Hôm nay, bão Vamco vào Biển Đông, thành cơn bão số 13 Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết vào chiều 11-11, bão Vamco đang cách phía nam đảo Luzon (Philippines) khoảng 200 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Dự báo trong 12-24 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển nhanh, khi vào Biển Đông bão sẽ có cường độ rất mạnh, cấp 12, giật cấp 15. Đến khoảng 13 giờ ngày 12-11, bão Vamco sẽ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700 km về phía đông đông nam. Cường độ bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Dự kiến bão tiếp tục di chuyển nhanh với tốc độ khoảng 20 km/giờ, đến 13 giờ ngày 13-11, bão chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290 km. Trong các giờ tiếp theo bão di chuyển chậm dần, hướng về phía đất liền các tỉnh miền Trung nhưng cường độ bão không suy giảm. Trước lo ngại về diễn biến phức tạp của bão Vamco, dự kiến ảnh hưởng tới khu vực miền Trung từ sáng 15-11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã ban hành công điện hỏa tốc gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương liên quan yêu cầu chủ động ứng phó với bão. Cụ thể, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi chặt diễn biến của bão để chủ động hướng dẫn tàu thuyền phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào nơi nguy hiểm; sẵn sàng phương án sơ tán dân, khách du lịch trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu… A.HIỀN |